Đi qua những tháng ngày cơ cực và thiếu thốn, hành trình đến với thành công của TS. Vũ Văn Hoàng dựa vào tinh thần nỗ lực học hỏi không ngừng, dễ dàng thích nghi, xoay chuyển và ứng phó linh hoạt trong mọi hoàn cảnh. Với anh, để “nuôi chí lớn” phải có một bản lĩnh thép và kiên trì cao độ với mục tiêu đã đề ra.
Từng nếm trải qua rất nhiều ngành nghề, từ lao động chân tay nặng nhọc cho đến làm việc bằng trí óc, có thể nói anh là một trong những đại diện tiêu biểu cho thế hệ doanh nhân dám dấn thân và quyết tâm thay đổi.
Chặng đường đã đi qua của anh chính là những mảng màu sống động, thành công của hôm nay xuất phát từ tâm thế của anh - luôn giữ vai trò tiên phong để tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.
Đã từng nghe nói rất nhiều câu chuyện gắn liền với Vũ Văn Hoàng về một tuổi thơ lấm lem đầy khốn khó nhưng cũng rất thú vị và đáng nhớ. Anh có ngại chia sẻ về quá khứ của mình?
Tôi chưa bao giờ ngại chia sẻ câu chuyện thời niên thiếu của mình. Với tôi, quá khứ ấy vô cùng đặc biệt và khác biệt, Tôi của ngày hôm nay được bồi đắp bởi những đáng giá của ngày hôm qua.
Sinh ra tại mảnh đất xa xôi Hà Vinh, Hà Trung – một vùng quê nghèo, khô căn sỏi đá nơi xứ Thanh hào hùng, tuổi thơ của tôi trải qua bao điều cơ cực nhưng quý giá. Ký ức của những trận vỡ đê vẫn còn nguyên vẹn, dòng nước chảy xiết từ con sông Cái đã nhấn chìm biết bao ngôi nhà, để lại sự trơ trọi hoang tàn. Tôi còn nhớ như in cái cảm giác tim muốn rớt ra khỏi lồng ngực khi vừa kịp leo lên ngọn cây thoát chết trong gang tấc.
Mỗi một mốc thời gian là một kỉ niệm đặc biệt. Khi học cấp 1, con đường đến được trường thật khủng khiếp: đám trẻ con chúng tôi cứ men theo các cống nước bị vỡ, bơi qua con sông nước lúc nào cũng chảy xiết…Lên cấp 3, trường học cách nhà 20 cây số, chỉ có hai lựa chọn: một là đi bộ, hai là xin ở nhờ nhà dân gần trường. Muốn ở lại phải có lương thực là gạo, khoai mì để góp nhưng nhà nghèo không đủ ăn, tôi quyết định chọn cách đi bộ hai lượt mỗi ngày hơn 40 cây số.
Không phải ngày nào cũng bình yên, bởi thiên nhiên khắc nghiệt luôn rình rập, với những cơn giông bão ùa về. Đứng trên đỉnh đồi hướng mắt về phía dãy núi Tam Điệp, tôi từng có những quyết định táo bạo và nguy hiểm: Nếu bơi qua con sông thì đỡ được nửa đường”. Gói ghém sách vở cẩn thận, giữa cơn mưa trút xuống, một tay cầm quần áo - sách vở, một tay lấy thế bơi qua sông, cứ thế tôi lao về phía trước trong đêm mịt tối…
Qua lời kể, tôi đang hình dung khi ấy anh là một chàng trai gầy gò, dáng ngang tàng, nhưng ẩn chứa nhiều khát vọng to lớn. Có đúng vậy không?
Tính cách của tôi vốn dĩ khá ngông nghênh, mọi người hay gọi là “Hoàng chân chim” bởi từ nhỏ đến hết lớp 10 chưa một lần đi dép, cứ băng băng bước tới mặc kệ sỏi đá. Học cấp 3 được một năm, tôi kiếm được đôi dép cũ đi học, học sinh cả trường mới ùa đến bảo: Cậu không đi chân chim nữa? – Lúc ấy tôi ngớ người, nhưng cũng thấy vui vui, hoá ra hình ảnh và tên gọi của mình đã khiến mọi người chú ý đến như vậy.
Khoảng thời gian 1985-1988, khi miền Bắc lũ lụt lớn, rất nhiều gia đình tìm đường Nam tiến để mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn, tôi vẫn quyết tâm ở lại một mình. Lúc ấy tôi rất nhỏ bé đen đuốc, phải tự làm đủ thứ để kiếm sống: nhặt củi trên rừng rồi mang xuống vùng biển bán, mót khoai sắn ngoài ruộng, thậm chí là ăn cả lá, hoa dâm bụt - thứ hoa đắng ngắt dù đã được vò kỹ và luộc đi luộc lại nhiều lần.
Một mình đơn độc giữa quê hương, nhiều lúc mệt nhoài, nằm ngước nhìn vào vô định giữa ngôi nhà trống không, hiu quạnh, tôi đã nghĩ: có lẽ phải nghỉ học? Nhưng bất chợt chỉ với làn khe sáng le lói qua ô cửa còn sót lại của buổi chiều tà, tôi bật dậy, ngăn không cho ý nghĩ đó chiếm lấy. Những khát vọng và con đường phía trước lại thôi thúc tôi bước tới…
Khổ cực như vậy, lúc ấy chàng thanh niên miền quê nghèo đã nghĩ gì để thay đổi cuộc đời và số phận?
Lại tiếp tục là câu chuyện dài, tôi đã bắt đầu hiểu “bập bẹ” một số khái niệm mới mẻ về kinh doanh. Giữa năm 11, tôi đánh liều đến tiệm sửa xe hỏi mua chiếc xe đạp cũ, với lời hứa chắc nịch: hai tháng sau trả một nửa giá tiền, rồi góp tiếp đến khi đủ.
Bài học về kinh doanh đầu tiên tôi nhận chính là “mồ hôi đổi lấy tiền bạc”, và khai sáng tầm nhìn: bán thứ người khác cần… cứ thế mỗi ngày trôi qua, kiến thức thực tiễn về kinh doanh đến với tôi.
Khi đạp xe ngang qua khu vực công trình xây dựng, thấy nhiều thanh sắt bị bỏ đi, tôi nhặt nhạnh đem về tự hàn gò lại thành dao rồi đem ra chợ bán. Mùa hè nóng bức, thấy được nhu cầu của mọi người, tôi đến xưởng lấy kem về bán. Lùng sục tìm thùng cũ, tự làm còi hơi gắn trên xe đạp, tôi bắt đầu len loi mọi ngóc ngách để bắt đầu bán những cây kem đầu tiên. Nhưng một thời gian không mang lại nhiều hiệu quả, tôi lại nhận ra: bán cho người biết mình trước sẽ dễ hơn! Mang thùng kem vào trường đang học, tôi lân la bán cho những người bạn cùng lớp rồi nhận được sự ủng hộ của cả trường. Cái biệt danh “Hoàng kem mút” ra đời và tự lan truyền. Đây cũng là nguồn thu nhập chính giúp tôi vượt qua 3 năm cấp ba một mình.
Từ những mẩu chuyện góp nhặt ấy, tôi gọi đó là hành trình “khởi nghiệp tí hon” đầu tiên của mình…
Với hàng loạt những danh xưng để đời: Cậu bé chân chim, cậu bé kem mút…anh đã bắt đầu “bay” đi và lột xác từ khi nào?
Năm 1988, học xong lớp 12, tôi quyết định Nam tiến vào Đồng Nai sum họp với gia đình. Lúc ấy, hành trang trong ba lô chỉ là 10 ký xi măng Bỉm Sơn, một cái xà beng, một cái búa, độc nhất bộ quần áo đang mặc, tuyệt nhiên trong túi không có đồng nào. Mang chút máu liều và sự ngang tang, tôi đã “nhảy tàu” Bắc Nam suốt một tuần thì tới được ga Hòa Hưng - Sài Gòn.
Xuống tàu lúc 3 giờ sáng, tôi đi bộ liền một mạch về đến Biên Hòa lúc 12 giờ trưa. Một thế giới thật sự khá biệt và cuốn hút khi tận mắt thấy những nhà máy xí nghiệp “khổng lồ”, tôi tự nhủ: miền đất hứa chính là đây…
Là người dễ thích nghi, tôi bắt tay xin vào làm công việc đầu tiên: rửa xe. “Cậu bé chân chim” ốm đói không đủ ăn khi ấy gặp những chiếc xe lớn và nặng như Vespa thì chệch choạc, nhấc chân chống không nổi. Nhưng tôi chưa có khái niệm nề hà thứ gì, nhất định phải làm bằng được!
Thấy máy mô tơ bơm bị hư, mọi người loay hoay sửa hoài không được, tôi cũng táy máy nghiên cứu và tìm ra lỗi. Thấy vậy, mọi người gọi đùa tôi là “kỹ sư Hoàng”. Không ngờ, nó như định mệnh gắn liền với những công việc sau này của mình…
Anh từng chia sẻ đâu đó rằng đã “kinh” qua không dưới chục nghề khác nhau?
Nói về nghề, tôi đã “qua tay” nhiều lắm. Ở Biên Hòa, tôi từng làm phụ hồ, phụ máy cưa trong xưởng, lượm lặt gỗ cũ về đóng rương bán cho sinh viên, bốc xếp trong Công ty Cồn bia Nước Giải khát Đồng Nai. Tôi lúc ấy, cứ việc nặng nhất sẽ nhận, việc khó nhất cũng không từ chối, ngày làm liên tục 17, 18 tiếng cũng không thấy mệt. Cứ thế tôi được cất nhắc lên làm phụ xe rồi kế toán, quản lý ca, phụ trách xưởng…
Sau này, tôi xin tiếp vào một công ty xuất nhập khẩu gỗ để hiểu về dây chuyền trong khu công nghiệp. Quản lý kêu đi đổ mùn cưa thừa, tôi nghĩ còn dùng được nên mang qua công ty cũ bán để họ dùng làm chất đốt. Không lấy tiền, tôi đề nghị gán qua “cọc” lấy bia nước ngọt để đi bỏ mối cho các quán giải khát, căn tin xung quanh. Đổi sức lấy lời, mỗi ngày về đến nhà là vã hết mồ hôi. Nhưng do ham hố, thấy sau 9 giờ tối còn trống thời gian, tôi tiếp tục đi học võ đến bậc tam đẳng karatedo.
Đa nghề, thậm chí là “nhảy việc” như vậy thì cái nào anh thấy mình giỏi nhất, thành công nhất?
Thời gian ở công ty gỗ, tôi nghĩ khai thác hoài rừng sẽ cạn kiệt, làm gỗ không bền nên chuyển hưởng học sửa chữa xe máy. Chỉ 3 tháng sau, tay nghề lên, thầy giao luôn sửa chính trong tiệm. Động đến các mạch điện, tôi lại tò mò muốn học bài bản về nghề điện nên đã chọn trường Cao đẳng nghề Đồng Nai. Tôi bén duyên với ngành này từ đây và thấy hợp nhất. Dành toàn bộ tiền tiết kiệm cộng với việc dạy võ mỗi tối, tôi đầu tư hết vào việc đi học.
Tôi nhớ, có lần học quấn mô tơ chiếc quạt đầu tiên bị cháy khét, không nản tiếp tục lần nữa thì bị đấu dây sai. Không bỏ cuộc! Tôi chấp nhận ở lại một mình để tìm bằng được nguyên nhân và cách sửa. Chính từ tinh thần này, học được khoảng năm rưỡi tôi đã hoàn thành chương trình trước tiến độ và được trường tin tưởng giới thiệu xuống khu công nghiệp Biên Hòa 2 làm toàn bộ hệ thống điện cho một công trình lớn.
Sau đó, được tín nhiệm tôi được làm việc tại một nhà máy liên doanh rau củ Ukraina – Việt Nam. Chẳng mấy chốc, được cất nhắc lên làm trưởng ca rồi quản lý. Tôi vẫn nghĩ học tập là cả một quá trình, biết nhiều không bao giờ là thừa cả, mọi thứ trải qua đều đem lại những giá trị quý báu, sự trưởng thành và kiến thức thực tiễn là bài học đắt giá không phải ai cũng có được!
Từng tham gia công tác giảng dạy tại trường cao đẳng rồi đại học. Vậy cơ duyên nào đưa anh từ “thợ” trở thành “thầy”?
Tôi chưa từng nghĩ có lúc mình sẽ đi dạy. Nhưng cơ duyên đến khi Trung tâm xúc tiến việc làm Đồng Nai cần đào tạo nghề cấp tốc, hỗ trợ cho nhóm người Việt Nam ở trại tị nạn hồi hương. Nhận thấy ý nghĩa nhân văn của công việc, tôi đồng ý ngay, tôi tiến hành xây dựng bộ khung chương trình và trực tiếp hỗ trợ truyền nghề.
Đến năm 1995, tôi tiếp tục nhận được lời mời về trường cao đẳng cũ để giảng dạy. Dù đồng lương nhiều khi không đủ trang trải cuộc sống nhưng tôi thấy vui và gắn bó. Trong khi đang công tác, Đại học Dân lập Kỹ thuật Công nghệ TP.HCM (tiền thân của HUTECH) được thành lập và mở lớp đại học ngay tại trường. Tôi quyết định ngay phải học lên đại học. Chuyên môn vững thì làm gì cũng đạt!
Sau khi hoàn thành ngành Cơ – Điện – Điện tử HUTECH, tôi đi thực tế lấy kinh nghiệm tại nhiều nơi. 5 năm sau, tôi bắt đầu làm việc tại trường với vai trò là cán bộ - giảng viên và một số công việc liên quan đến chuyên ngành điện. Cũng tại HUTECH, tôi được tạo cơ hội để học lên Thạc sĩ, rồi Tiến sĩ như bây giờ.
Luôn là người rất “chịu chi” quỹ thời gian, công sức, tâm huyết và tiền bạc vào các cuộc thi khởi nghiệp dành cho sinh viên tại HUTECH, đâu là lý do?
Năm 2014, tôi là một trong những người tiên phong thành lập CLB Doanh nhân HUTECH với mong muốn kết nối người trẻ với những doanh nhân thành đạt, xây dựng một cộng đồng khởi nghiệp lớn mạnh tại HUTECH. Mỗi khi có dịp, tôi đều nhận làm khách mời trong các buổi talkshow, hội thảo, gặp mặt trao đổi kỹ năng...về khởi nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực tư vấn thiết kế và đầu tư xây dựng. Tôi tâm niệm: Người trẻ có nhiều năng lượng, nhiệt huyết, ý tưởng nhưng lại rất thiếu kinh nghiệm để khởi nghiệp, nếu không được giúp đỡ sẽ dễ bị “dập tắt” ý tưởng ngay từ đầu. Các sân chơi, học thuật tại trường đại học sẽ là bước đệm đầu tiên để các bạn phát triển!
Cũng từ doanh nghiệp của mình, tôi dành nhiều vị trí thực tập, cơ hội việc làm cho sinh viên HUTECH. Tôi cảm thấy vui khi hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ sinh viên sau này của trường.
Media team.Trong khởi nghiệp, thành công hay không nằm ở khả năng nhanh nhẹn, tháo vát uyển chuyển, biết vận dụng kiến thức nền trong những hoàn cảnh thích hợp. Đối với một công ty, nói đến sản phẩm là nói đến chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp thị hiếu. Muốn có được những điều đó phải có đội ngũ nhân viên tốt, sau đó mới đến thiết bị công nghệ. Lúc này người lãnh đạo phải là người thầy thật sự và có những bí quyết, độc chiêu riêng. Muốn dìu dắt được nhân viên, việc đầu tiên phải hiểu được suy nghĩ tâm tư nguyện vọng, cũng như ông bà ta thường nói: Dụng nhân như dụng mộc! Dùng đúng người đúng chỗ sẽ phát huy được hết khả năng của mỗi người.
Trân trọng cám ơn anh!