Ngày 08/4, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức khóa đào tạo chuyên đề “Bồi dưỡng kiến thức AI dành cho giảng viên”, nhằm nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ cho đội ngũ giảng viên trong thời đại chuyển đổi số.
Chương trình có sự đồng hành của hai diễn giả chính là PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo và PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu - Giảng viên Viện Trí tuệ nhân tạo. Khóa học được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa lý thuyết và thực hành với sự tham gia của đông đảo cán bộ - giảng viên - nhân viên (CB-GV-NV) từ nhiều Khoa/Viện/Phòng/Ban trong toàn Trường.
Diễn ra tại Saigon Campus, khóa học thu hút đông đảo CB-GV-NV tham gia
Trong buổi sáng, các giảng viên được trang bị hệ thống kiến thức nền tảng và chuyên sâu về Trí tuệ nhân tạo (AI), từ nguyên lý hoạt động đến các vấn đề đạo đức, kỹ thuật và thực tiễn sử dụng. Bắt đầu từ mô hình toán học - nền tảng của học máy (machine learning) và học sâu (deep learning), các diễn giả giúp người học hình dung rõ cách AI học từ dữ liệu, ra quyết định và tương tác với con người trong đời sống hàng ngày. Những ví dụ như mô hình ChatGPT, Gemini hay các công cụ tạo nội dung tự động được phân tích dưới góc độ kỹ thuật, đồng thời lồng ghép những ứng dụng thực tế trong giáo dục, hành chính, nghiên cứu khoa học.

Chương trình có sự đồng hành của hai diễn giả chính là PGS.TS. Nguyễn Xuân Hoài và PGS.TS. Nguyễn Văn Hậu
Một trong những điểm nhấn quan trọng của buổi học là nội dung liên quan đến vai trò của dữ liệu - được ví như “nguồn sống” của mọi hệ thống AI. Khái niệm “Garbage in - Garbage out” (rác vào - rác ra) được nhấn mạnh như một nguyên lý cốt lõi: AI chỉ thông minh khi được huấn luyện trên dữ liệu chất lượng. Nếu dữ liệu đầu vào thiếu khách quan, thiên lệch hoặc không đầy đủ, kết quả đầu ra dù có được tạo ra bởi mô hình tối tân cũng sẽ thiếu tin cậy và có thể gây hại khi đưa vào thực tế. Đặc biệt trong môi trường giáo dục, y tế hay công lý - nơi các quyết định ảnh hưởng trực tiếp đến con người, chất lượng dữ liệu và khả năng kiểm soát của con người trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Không chỉ dừng lại ở mặt kỹ thuật, chương trình còn đề cập sâu đến các khía cạnh đạo đức và trách nhiệm trong việc sử dụng AI. Những ví dụ như hệ thống COMPAS tại Mỹ có xu hướng đánh giá người da màu có nguy cơ tái phạm cao hơn, hay mô hình tạo ảnh DALL-E gán nhãn giới tính sai lệch khi tạo hình bác sĩ và y tá, được phân tích để minh họa cho hiện tượng “thiên lệch dữ liệu” - một trong những thách thức lớn của AI hiện nay. Các nội dung về AI có trách nhiệm (Responsible AI) được triển khai xoay quanh ba trụ cột: công bằng - minh bạch - bảo vệ quyền riêng tư. AI cần được thiết kế để không phân biệt giới tính, tôn giáo, chủng tộc; các quyết định của AI cần truy xuất được nguồn gốc và có thể giải thích; người dùng phải giữ được quyền kiểm soát thông tin cá nhân trong quá trình sử dụng.
Nhiều kiến thức thú vị về AI được hai diễn giả truyền đạt đến người học
Bên cạnh đó, các giảng viên cũng được tiếp cận với các khái niệm về an toàn AI (Secure AI), như “nhiễm độc dữ liệu” (data poisoning), ví dụ đối kháng (adversarial examples), và trích xuất mô hình (model extraction) - những kỹ thuật tấn công tinh vi có thể khiến AI hoạt động sai lệch mà con người khó phát hiện. Điều này nhấn mạnh yêu cầu cần có hệ thống giám sát, cơ chế can thiệp khẩn cấp (killswitch), cũng như khả năng kiểm toán để đảm bảo AI hoạt động đúng với mục tiêu và giá trị đã được thiết lập ban đầu.
Sau phần lý thuyết buổi sáng, buổi chiều của khóa học được dành toàn bộ cho thực hành - nơi các giảng viên trực tiếp tương tác với các công cụ AI như ChatGPT, Gemini để giải quyết các tình huống cụ thể trong công việc giảng dạy. Các bài tập thực hành bao gồm: đặt lệnh để AI viết đề cương môn học, soạn email phản hồi sinh viên, xây dựng nội dung học liệu, hoặc phân tích dữ liệu phản hồi. Không chỉ áp dụng những kiến thức lý thuyết đã học, giảng viên còn có cơ hội kiểm nghiệm khả năng kiểm soát, đánh giá và hiệu chỉnh kết quả đầu ra của AI, từ đó xây dựng tư duy sử dụng AI một cách chủ động và có trách nhiệm.
Các thầy cô tích cực thực hành và trao đổi cùng diễn giả
Đặc biệt, một số giảng viên đã được mời chia sẻ trực tiếp những “prompt” (câu lệnh) thông minh và sáng tạo mà mình đã sử dụng hiệu quả trong quá trình thực hành. Những ví dụ như tạo bảng tổng hợp kiến thức hay biên tập nhanh tài liệu dạy học,… đã cho thấy khả năng ứng dụng linh hoạt và đầy tiềm năng của AI nếu được sử dụng đúng cách.
Đây không chỉ là khóa học công nghệ, mà là cơ hội để định vị lại vai trò của người dạy trong thời đại AI
Chương trình khép lại trong không khí phấn khởi và tích cực với nhiều phản hồi tốt từ các CB-GV-NV tham gia. Đây không chỉ là khóa học công nghệ, mà là cơ hội để định vị lại vai trò của người dạy trong thời đại AI - không chỉ là người truyền đạt kiến thức, mà còn là người hướng dẫn, giám sát và đánh giá việc sử dụng công nghệ một cách đúng đắn và nhân văn. Được biết, khóa học này sẽ hoàn thành vào sáng 09/4 với nhiều nội dung mới mẻ. Các khóa học “Bồi dưỡng kiến thức AI dành cho giảng viên” kế tiếp sẽ diễn ra tiếp tục từ chiều 09/4 tới 12/4.
Tin: Bảo Thư - Anh Hào
Ảnh: Hữu Hào
TT. Truyền thông