Ngày 02/4, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức buổi nghiệm thu cơ sở Đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh An Giang "Xây dựng và phát triển mô hình làng văn hóa bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer phục vụ du lịch" do PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng trình bày.
Hội đồng đánh giá chuyên môn lần này gồm: PGS.TS. Phan Đình Nguyên - Phó Hiệu trưởng HUTECH; ThS.KTS. Nguyễn Xuân Phúc - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Thiết kế TP.HCM, Giảng viên Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật; ThS. Phan Thị Thúy Phượng - Trưởng ngành Quản trị khách sạn; PGS.TS. Lâm Nhân - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP.HCM; PGS.TS. Nguyễn Quốc Cường - Giảng viên Trường Đại học Công nghiệp TP.HCM; PGS.TS. Phước Minh Hiệp - Giảng viên Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng; PGS.TS. Phạm Văn Hậu - Giảng viên Trường Đại học Văn Hiến; TS. Thái Doãn Hồng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch công đoàn TP.HCM.
Sự đa dạng thành viên trong hội đồng nhằm đảm bảo tính khách quan và chuyên môn cao
Trong phần trình bày, PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng - Trưởng Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn nhấn mạnh mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại An Giang. Đặc biệt, thầy đề cao việc gìn giữ di sản văn hóa phi vật thể và phát triển các mô hình sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, qua đó thúc đẩy loại hình du lịch lưu trú cộng đồng gắn với bản sắc tôn giáo và vùng miền.
PGS.TS. Nguyễn Quyết Thắng trình bày đề tài bảo tồn di sản văn hóa và phát triển mô hình du lịch tại An Giang
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện đã khảo sát và đánh giá thực trạng bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể của bốn dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer tại An Giang. Các yếu tố này không chỉ mang giá trị tinh thần sâu sắc mà còn tiềm năng lớn trong phát triển sản phẩm du lịch vùng miền. Đề tài cũng chú trọng đến đặc điểm đa tôn giáo và bản sắc vùng biên giới của An Giang, nhằm phát triển các không gian trải nghiệm văn hóa và lưu trú gắn với đời sống cộng đồng.
Hệ thống giải pháp bảo tồn di sản văn hóa và các mô hình làng văn hóa được thầy giới thiệu chi tiết
Đề tài đã đánh giá thực trạng công tác bảo tồn văn hóa dân tộc, chỉ ra những nguy cơ mai một các giá trị văn hóa truyền thống trong bối cảnh hội nhập. Trên cơ sở đó, nhóm thực hiện đề xuất nhiều mô hình xây dựng làng văn hóa, từ việc quy hoạch một không gian tập trung đến mô hình khai thác tại chỗ trong các cộng đồng dân cư hiện có. Các mô hình này không chỉ phục vụ mục tiêu gìn giữ bản sắc, mà còn hướng tới việc tạo điểm nhấn thu hút du lịch, phát triển kinh tế địa phương.
Bên cạnh việc đề xuất mô hình, đề tài cũng đưa ra một hệ thống giải pháp đồng bộ, từ chính sách hỗ trợ, định hướng quy hoạch, cơ chế phối hợp liên ngành, đến đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, truyền thông quảng bá và nâng cao nhận thức cộng đồng. Các giải pháp này được xây dựng trên cơ sở tiếp cận tổng thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai mô hình trong thực tiễn, đồng thời đảm bảo tính bền vững về mặt văn hóa, xã hội và môi trường.
Hội đồng đánh giá thảo luận, góp ý hoàn thiện mô hình để phát triển đề tài
Tại buổi nghiệm thu, hội đồng đã ghi nhận những đóng góp nổi bật của đề tài, đánh giá cao tính mới mẻ, tính ứng dụng và sự phù hợp với định hướng phát triển du lịch văn hóa của tỉnh An Giang. Hội đồng cũng đưa ra nhiều góp ý mang tính xây dựng để nhóm nghiên cứu hoàn thiện nội dung, làm rõ thêm một số khía cạnh về tính khả thi và vai trò của cộng đồng trong việc triển khai mô hình.
Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính ứng dụng và giá trị thực tiễn của đề tài, thống nhất xếp loại xuất sắc
Khép lại buổi làm việc, hội đồng thống nhất đánh giá hoàn thành đề tài. Kết quả nghiên cứu không chỉ góp phần làm rõ giá trị văn hóa đặc trưng mà còn mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn di sản. Đây sẽ là tiền đề quan trọng trong việc xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa, góp phần nâng cao hình ảnh du lịch An Giang trong giai đoạn mới.
Tin: Xuân Mai
Ảnh: Trọng Khang
TT. Truyền thông