Seminar HUTECH Innovatalk 2024 chủ đề “Bảo tồn, phát huy giá trị nghề truyền thống tại TP.HCM” do Trung tâm Thiết kế Dự án và Đổi mới Sáng tạo thuộc Viện Công nghệ Việt - Nhật (VJIT), Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức vào ngày 28/12 vừa qua đã mở ra nhiều góc nhìn giá trị cho sinh viên về tiếp cận các ngành nghề truyền thống trong bối cảnh đương đại.
Đại diện VJIT trao hoa và quà cảm ơn đến hai diễn giả
Được biết, buổi seminar nằm trong khuôn khổ học phần “Đổi mới sáng tạo và tư duy khởi nghiệp”, một môn học đặc thù tại HUTECH nhằm phát triển ở sinh viên năng lực phát hiện và giải quyết vấn đề. Qua đó các bạn có thể đóng góp những giải pháp, dự án đổi mới sáng tạo để phục vụ cộng đồng.
TS. Bùi Quang Tiến mang đến chủ đề vai trò của thiết kế công nghiệp với sản phẩm thủ công truyền thống
Với chủ đề “Vai trò của thiết kế công nghiệp đối với các sản phẩm thủ công truyền thống”, TS. Bùi Quang Tiến - Trưởng Bộ môn Thiết kế Công nghiệp Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh vai trò quan trọng của thiết kế công nghiệp trong việc hiện đại hóa và gia tăng giá trị của sản phẩm truyền thống. Cụ thể, kết hợp hài hòa giữa công nghệ, vật liệu mới, thiết kế kiểu dáng độc đáo để cải thiện công năng và tăng tính thẩm mỹ của sản phẩm.
Theo TS. Bùi Quang Tiến, làng nghề truyền thống ở Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mai một dần bởi các nguyên nhân như: Chưa được đầu tư bài bản, thiếu cơ sở hạ tầng hỗ trợ; Thiếu kết nối hiệu quả với dịch vụ quảng bá du lịch; Chưa có chiến lược cụ thể cho từng sản phẩm hoặc thị trường mục tiêu; Vai trò của nhà nước và doanh nghiệp chưa rõ ràng trong việc hỗ trợ bảo tồn làng nghề. Trong khi đó, nếu có chính sách thiết thực không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa mà còn tạo cơ hội cho việc sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên giá trị truyền thống, để sản phẩm không chỉ mang giá trị lịch sử, văn hóa mà còn có tiềm năng khai thác thương mại.
Sáng tạo và khởi nghiệp dựa trên giá trị truyền thống là cần thiết trong hoạt động bảo tồn
Đề cập đến đổi mới trong sáng tạo và khởi nghiệp từ nghề truyền thống, TS. Bùi Quang Tiến chỉ ra các yếu tố cần chú trọng gồm đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ và hỗ trợ chính sách cho các nhà thiết kế (pháp lý); hỗ trợ vốn cho các dự án sáng tạo từ nhà nước hoặc doanh nghiệp; tối ưu hóa kênh phân phối, phát triển thương mại điện tử và thanh toán hiện đại. Ngoài ra có thể khai thác thêm những câu chuyện văn hóa hoặc tình yêu với nghề thủ công như một yếu tố truyền thông hoặc kết hợp quảng bá sản phẩm thông qua các nền tảng số để phát triển bền vững.
Trong khi đó, ông Huỳnh Lư Vũ Minh - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Thành phố mang đến những thông tin giá trị về chủ đề “Làng nghề truyền thống - Bảo tồn và phát huy”. Từ hai trường hợp cụ thể là Làng nghề làm bánh tráng ở Củ Chi và Làng nghề gỗ Đồng Kỵ ở Bắc Ninh, diễn giả cho biết đó không chỉ là những nghề thủ công truyền thống mà các làng nghề này cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và thúc đẩy phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra là phải triển khai các công tác bảo tồn sao cho hợp lý để giữ gìn được nét văn hóa đặc trưng, đảm bảo sự phát triển của các làng nghề.
Ông Huỳnh Lư Vũ Minh chia sẻ về công tác bảo tồn để đảm bảo sự phát triển của các làng nghề
Ông Vũ Minh cũng giới thiệu khái quát về quá trình tu bổ, tôn tạo một công trình văn hóa cụ thể - Di tích Kiến trúc Nghệ thuật Quốc gia Đình Chí Hòa. Các công đoạn tu bổ bao gồm tu bổ phục hồi mái ngói, tu bổ phục hồi con giống (lưỡng long tranh châu), tu bổ phục hồi gian thờ,… đòi hỏi phải có sự tham gia của các nghệ nhân có chuyên môn, tay nghề cao để tránh các sai sót. Qua đó cho thấy tính phức tạp và yêu cầu khắt khe của việc lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
Sinh viên được truyền cảm hứng về nâng tầm sản phẩm truyền thống trong bối cảnh đương đại
Những chia sẻ của các diễn giả tại seminar HUTECH Innovatalk 2024 vừa qua đã cung cấp đến sinh viên những góc nhìn sâu sắc về giá trị của ngành nghề truyền thống, đồng thời truyền cảm hứng để các bạn tiếp tục học hỏi và phát triển tư duy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Qua đó, mạnh dạn khai thác các nguồn lực sẵn có để góp phần nâng tầm các sản phẩm truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa, mang lại những giá trị cho nền kinh tế.
Tin: Anh Hào - Minh Châu
Ảnh: Anh Khoa
TT. Truyền thông