Trang bị kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) là không thể thiếu đối với sinh viên trong kỷ nguyên số. Nắm bắt xu hướng đó, vừa qua, Viện Công nghệ Việt - Nhật (VJIT) Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức Workshop “Ứng dụng AI trong hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên” với nhiều thông tin thiết thực được chia sẻ.
VJIT tổ chức Workshop “Ứng dụng AI trong hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên”
Với chủ đề này, sinh viên được lắng nghe chia sẻ từ diễn giả TS. Lê Duy Tân - Giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trường Đại học Quốc tế - ĐHQG TP.HCM; Đồng sáng lập phòng thí nghiệm AioT Lab Việt Nam; Thành viên Ban chủ nhiệm CLB các nhà khoa học trẻ TP.HCM. Buổi workshop còn có sự đồng hành của GS.TS. Lê Văn Cảnh - Phó Hiệu trưởng; ThS. Nguyễn Xuân Hưng - Viện trưởng VJIT; TS. Hà Minh Tuấn - Phó Viện trưởng, Chủ nhiệm CLB Học thuật và NCKH KAIZEN; ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Thiết kế dự án và Đổi mới sáng tạo; TS. Đoàn Thị Bằng - Phó Giám đốc.
GS.TS. Lê Văn Cảnh kỳ vọng sinh viên sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm về ứng dụng AI trong nâng cấp các đề tài nghiên cứu khoa học của mình
Mở đầu câu chuyện về tác động của công nghệ trong kỷ nguyên số, TS. Lê Duy Tân giới thiệu khái quát về một công cụ AI nổi bật hiện nay - ChatGPT. Bên cạnh những lợi ích vượt trội, ChatGPT đồng thời tiềm tàng những mặt tiêu cực như sai lệch về kiến thức, rủi ro về lộ thông tin cá nhân, giảm thiểu khả năng giao tiếp. Theo đó, sử dụng ChatGPT một cách thông minh và hiệu quả là kỹ năng mà bất kỳ ai cũng cần có và thường xuyên trau dồi.
TS. Lê Duy Tân cũng chỉ ra quy tắc đặt câu lệnh (prompt) cho ChatGPT cụ thể: [Personal] + [Context] + [Task] + [Exemplar] + [Format] + [Tone]. Việc tuân thủ cấu trúc này giúp người dùng định hướng rõ ràng nhiệm vụ cần xử lý cho ChatGPT, từ đó nâng cao chất lượng câu trả lời nhận được đúng trọng tâm.
TS. Lê Duy Tân chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và ứng dụng AI hỗ trợ nghiên cứu khoa học
Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu khoa học, TS. Lê Duy Tân cho biết sau khi xác định khía cạnh muốn nghiên cứu, sinh viên nên tìm đọc các công trình có liên quan để học hỏi quy cách thực hiện, đồng thời khám phá ra những ý tưởng mới có thể khai thác. Bên cạnh danh mục tạp chí uy tín đã cung cấp, diễn giả khuyên sinh viên nên chủ động liên hệ giảng viên để được hỗ trợ nhanh chóng nhất về tư liệu cũng như định hướng triển khai chính xác.
Đào sâu vào việc ứng dụng công nghệ, theo diễn giả, sinh viên có thể đọc các bài báo khoa học dưới sự hỗ trợ của công cụ AI. Một số công việc có thể thực hiện: tóm gọn nội dung chính của bài báo; đề xuất một số ý tưởng; sửa lỗi ngữ pháp, chính tả; hỗ trợ phân tích và xử lý dữ liệu; thiết kế các bảng câu hỏi khảo sát;… TS. Lê Duy Tân nhấn mạnh, các bạn cần xem AI như một công cụ đắc lực hỗ trợ tối ưu hóa quá trình làm việc chứ không nên lạm dụng hoàn toàn, vì sẽ dễ rơi vào những nguy cơ như vi phạm đạo đức nghiên cứu, đạo văn.
Phần thảo luận sôi nổi mở ra những góc nhìn đa chiều về vận dụng công nghệ trong kỷ nguyên số
Những trao đổi sôi nổi từ workshop vừa qua đã mang đến những góc nhìn đa chiều cho sinh viên VJIT về AI và ứng dụng trong nghiên cứu khoa học. Từ đó các bạn có thể chủ động trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng thiết thực để tự tin phát triển trong bối cảnh kỷ nguyên số.
Tin: Anh Thư - Minh Châu
Ảnh: Ngọc Duy
TT. Truyền thông