Ngày 07/8 vừa qua, Viện Khoa học Xã hội & Nhân văn Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia SSH 2021, chủ đề “Đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) tại các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam”.
Diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực KHXH&NV, Hội thảo đã tập trung thảo luận về vai trò của đại học ngoài công lập trong đào tạo công dân toàn cầu ở lĩnh vực KHXH&NV cũng như những giải pháp và triển vọng đào tạo trong thời gian tới.
Hơn 250 nhà nghiên cứu, giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và sinh viên đã tham gia Hội thảo SSH 2021
Diễn đàn học thuật của các nhà nghiên cứu uy tín trong lĩnh vực KHXH&NV
Hội thảo SSH 2021 có sự tham gia và trình bày của các chuyên gia đầu ngành như GS.TS. Hồ Sĩ Quý - nhà nghiên cứu triết học, Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS. Phan Văn Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng; Ủy viên thường vụ Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; PGS.TS. Lê Hữu Ái - Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng; GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Việt Nam, Viện trưởng Viện KHXH&NV HUTECH.
GS.TS. Hồ Sĩ Quý (đang báo cáo) |
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm |
PGS.TS. Phan Văn Hòa |
PGS.TS. Lê Hữu Ái |
Các chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín đã "tề tựu" tại Hội thảo với nhiều báo cáo khoa học thực tế, sâu sắc
Đại diện lãnh đạo HUTECH tham dự Hội thảo SSH 2021 có TS. Kiều Tuân - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường; GS.TSKH. Hồ Đắc Lộc - Hiệu trưởng Nhà trường; PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng HUTECH cùng quý thầy thuộc Ban Giám hiệu Nhà trường. Hội thảo cũng thu hút sự quan tâm, theo dõi của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, thầy cô giảng viên từ các trường ĐH KHXH&NV ĐHQG TP.HCM, ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH An Giang - ĐHQG TP.HCM, ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF)... ở phiên khai mạc cũng như các tiểu ban.
Hội thảo cũng thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, giảng viên từ các trường Đại học trên cả nước
Đào tạo công dân toàn cầu: Vấn đề cấp thiết trong thời đại toàn cầu hóa
Phát biểu mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn khẳng định: “Trong thời đại toàn cầu hóa, sinh viên, đặc biệt là sinh viên các trường đại học ngoài công lập có đào tạo lĩnh vực KHXH&NV càng cần khẳng định vai trò và vị thế của mình trước quốc tế. Đó cũng là động lực để Hội thảo SSH 2021 và chủ đề Đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh KHXH&NV tại các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam được thực hiện, với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia đầu ngành.”
PGS.TS. Hoàng Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo
TS. Kiều Tuân gửi lời chúc Hội thảo thành công tốt đẹp
Bên cạnh các báo cáo Đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực KHXH&NV: Tiềm năng, thế mạnh và những rào cản của GS.TS. Hồ Sĩ Quý, Đào tạo công dân toàn cầu từ góc nhìn thực tiễn của giáo dục đại học Việt Nam của PGS.TS. Phan Văn Hòa, Những rào cản trong đào tạo các ngành KHXH&NV của các trường Đại học ngoài công lập ở Việt Nam của PGS.TS. Lê Hữu Ái, Hội thảo còn có sự chia sẻ của các nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học tại 04 tiểu ban: KHXH&NV trong đào tạo Công dân toàn cầu, Những vấn đề giáo dục Công dân toàn cầu, Những vấn đề Văn hóa - Du lịch trong đào tạo Công dân toàn cầu và Phương pháp giảng dạy và ngoại ngữ trong đào tạo Công dân toàn cầu với tổng cộng 16 tham luận, nêu bật lên những vấn đề về đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực KHXH&NV ở khối trường đại học ngoài công lập cùng nhiều đề xuất giải pháp thực tiễn.
Các báo cáo viên từ nhiều trường đại học cũng đã trình bày bài báo khoa học của mình tại 04 tiểu ban của Hội thảo
Công dân toàn cầu khối KHXH&NV tại đại học ngoài công lập: Ưu thế và trách nhiệm
Đại diện HUTECH, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra những thuận lợi và hạn chế của các trường đại học ngoài công lập trong đào tạo công dân toàn cầu khối KHXH&NV. Trong đó, các đặc điểm như tự chủ, cơ chế quản lý linh hoạt, môi trường học tập hiện đại, thích ứng nhanh chóng với các chuẩn mực quốc tế là những thế mạnh các trường đại học ngoài công lập cần khai thác triệt để hơn để có thể đào tạo công dân toàn cầu một cách hiệu quả, tạo nên đội ngũ nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng phát triển ở cả thị trường khu vực lẫn quốc tế. Đây là một trong những nội dung cơ bản trong báo cáo Giáo dục công dân toàn cầu trong lĩnh vực KHXH&NV tại các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam được GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm trình bày ở Phiên khai mạc của Hội thảo.
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm đã đại diện HUTECH chỉ ra những thuận lợi và hạn chế của các trường đại học ngoài công lập trong đào tạo công dân toàn cấu khối KHXH&NV
Nhiều nhà nghiên cứu như TS. Lê Thị Ngọc Điệp (Chủ tịch Hội đồng ĐH KHXH&NV TP.HCM) PGS.TS. Lâm Nhân (ĐH Văn hóa TP.HCM), PGS.TS. Trần Hữu Phúc (ĐH Đà Nẵng), TS. Đào Minh Hồng (UEF)... cũng thể hiện sự đồng tình với tính thiết thực của Hội thảo SSH 2021 và chủ đề thời sự mà Hội thảo hướng đến. Những chia sẻ, trao đổi chuyên sâu của các chuyên gia, giảng viên đã mang đến nhiều ý kiến thực tế, giải pháp hiệu quả. Bên cạnh đó, các bạn sinh viên - những công dân toàn cầu tương lai - cũng có dịp tham gia diễn đàn thảo luận với nhiều câu hỏi về những yêu cầu, trách nhiệm, vai trò của công dân toàn cầu.. để có thêm định hướng học tập, nghiên cứu cho bản thân.
Quý thầy cô giảng viên, các nhà quản lý giáo dục cũng thảo luận sôi nổi trước các vấn đề được đặt ra tại Hội thảo
Tin rằng, qua Hội thảo, việc nhìn nhận, đánh giá công tác đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực KHXH&NV ở khối đại học ngoài công lập, đặc biệt là với HUTECH - trường đại học có ưu thế mạnh mẽ về môi trường hiện đại - sẽ càng được chú trọng, tiếp tục đào tạo những thế hệ công dân toàn cầu năng động, chất lượng, tự tin hội nhập.