Ban tổ chức Hội thảo SSH 2021 trân trọng giới thiệu clip phỏng vấn PGS.TS. Phan Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng về đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn.
PGS.TS. Phan Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
Sau một thời gian chuẩn bị nghiêm túc, với mong muốn tạo nên một diễn đàn để các nhà khoa học, nhà giáo dục cùng trao đổi những hiểu biết, kinh nghiệm quý báu cũng như những sáng kiến về lĩnh vực “Đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam”. Các tác giả là các nhà nghiên cứu, nhà giáo làm việc tại 18 trường, viện, công ty đến từ 6 tỉnh/thành trong cả nước (Hà Nội, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Phan Thiết, TP.Hồ Chí Minh, Vĩnh Long). Xin PGS. cho biết cảm nhận của mình về quy mô cũng như chất lượng của Hội thảo “Đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn tại các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam” do Viện Khoa học xã hội và nhân văn – Trường Đại học Công nghệ TP.HCM tổ chức?
PGS.TS. Phan Văn Hòa: Đây là một chủ đề nghiên cứu tạo cho tôi cảm hứng lớn và thôi thúc sự quan tâm. Thành công của 1 hội thảo ko phụ thuộc nhiều vào tính quy mô hoành tráng, không thể đánh giá ngay chất lượng cao hay thấp. Nhưng một hội thảo thể hiện được sáng kiến lớn như “Đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn” do Viện Khoa học xã hội và nhân văn – Trường Đại học Công nghệ TP.HCM tổ chức đã thể hiện yêu cầu thực tiễn cho giáo dục VN hiện nay. Nếu được mở rộng triển khai sẽ có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng nguồn nhân lực đúng hướng cho đất nước. Giới hạn đề tài trong lĩnh vực KHXH&NV cho thấy sự khiêm tốn của Ban tổ chức, chủ đề rất có ý nghĩa của hội thảo nhận được sự quan tâm và lan tỏa của cộng đồng trong nhiều lĩnh vực và cơ sở giáo dục đào tạo khác.
Trên thế giới hiện nay, khi người ta bàn đến đào tạo công dân toàn cầu hay là công dân tương lai cho đất nước họ, trước hết là bàn đến giáo dục phẩm chất và giá trị hành vi, trách nhiệm, sau đó mới đến vấn đề về khoa học tự nhiên và công nghệ để tham gia vào những vấn đề toàn cầu. Như vậy, việc giáo dục công dân toàn cầu dù có bao hàm nhiều nội dung rộng lớn vẫn tốt nhất là lấy điểm tựa từ KHXHNV và mở rộng hơn đến các lĩnh vực khác là hoàn toàn hợp lý. Tuy Ban tổ chức không cầu mong nhiều quy mô hội thảo, nhưng đã có hơn 18 trường và 20 báo cáo được chọn lọc trong vấn đề đào tạo công dân toàn cầu, lần nữa khẳng định sự thành công của hội thảo.
Ngày nay, chúng ta đang sống trong một thế giới mở, thế giới hội nhập, thế giới “toàn cầu hoá”. Chúng ta cũng biết quốc tế đã bàn nhiều đến vấn đề đào tạo công dân toàn cầu và hệ thống giáo dục quốc tế ở Việt Nam cũng đã nêu rõ mục tiêu giáo dục trong chương trình giáo dục của họ về đào tạo công dân toàn cầu. Vậy, PGS.TS có thể cho biết quan điểm cá nhân về tính cấp thiết, tính thời sự của chủ đề mà Hội thảo đưa ra: Định hướng đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực KHXH&NV và cụ thể là ở các trường đại học ngoài công lập?
PGS.TS. Phan Văn Hòa: Hơn 2 thập kỷ qua, khi thiên niên kỷ mới bắt đầu, thế giới đã nói rất nhiều đến đào tạo công dân toàn cầu. Thậm chí có nơi cho rằng vấn đề sống còn của hành tinh này có phụ thuộc vào công dân toàn cầu hay không? Giáo dục công dân toàn cầu thành công và đúng hướng sẽ giúp ta đủ sức chống lại sức ép tiêu cực của những vấn đề toàn cầu, nhất là vấn đề toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Nó còn giúp ta tạo lợi ích lâu dài bền vững cho đất nước và đóng góp cho sự phát triển nhiều mặt của cộng đồng thế giới. Nước ta đã và đang bước vào hội nhập và toàn cầu hóa, giáo dục công dân toàn cầu nhưng hệ thống vẫn chưa đáp ứng được nhiều nhu cầu cấp thiết ở nhiều lĩnh vực liên quan. Vì thế hội thảo hôm nay không chỉ là cấp thiết và thời sự, mà còn bức thiết và cần những tiếng nói chung để giải quyết ngay những vấn đề trong triển khai đào tạo công dân toàn cầu một cách hệ thống, bài bản và hiệu quả hơn. Tuy nhiên 1 số cơ sở đào tạo đã đưa ra nhiều nhãn mác đào tạo quốc tế để chạy đua theo lợi nhuận hoặc vì những mục đích khác, đã vô hình trung trực tiếp hoặc gián tiếp góp phần làm sai lệch sự phát triển của một bộ phận công dân trẻ của chúng ta. Chẳng hạn như những công dân trẻ chưa nói tiếng Việt chuẩn đã đua nhau học nhiều ngoại ngữ khác một cách không bài bản, hay thậm chí theo học các chương trình quốc tế không chuẩn mực. Bởi vì học một ngôn ngữ là bắt đầu thâm nhập vào một văn hóa mới, cách ứng xử giao tiếp, là học để sống ở đời. Học lệch lạc một ngôn ngữ để lại những nguy cơ mà hàng chục năm sau chúng ta mới trả giá, trong đó có các bậc phu huynh, địa phương và đất nước, đông hơn nữa là bản thân người học trẻ. Vì vậy, đào tạo công dân toàn cầu là vấn đề không những thời sự, bức thiết mà còn hết sức nghiêm túc, tác động đến vận mệnh từng cá nhân, cộng đồng và đất nước chúng ta. Giáo dục gánh vác 1 trọng trách vô cùng to lớn và khó khăn, vì vậy chúng ta đầu tư suy ngẫm và hành động đúng hướng, kịp thời.
Trước những cơ hội, thuận lợi cũng như không ít những khó khăn, rào cản khi đào tạo công dân toàn cầu ở lĩnh vực KHXH&NV trong các trường đại học ngoài công lập, theo PGS.TS thì chúng ta có thể tin vào sự thành công của định hướng đào tạo này không và để có thể hiện thực hoá nó thì thầy có gửi gắm thông điệp gì cho các thế hệ trẻ, quý phụ huynh cũng như các nhà giáo dục?
PGS.TS. Phan Văn Hòa: Chúng ta không thể không đào tạo công dân toàn cầu, đó là nhiệm vụ cấp thiết và chúng ta phải có niềm tin dựa vào cơ sở xác đáng. Chúng ta xem đó là một trong những bộ phận cốt lõi của giáo dục, không thể phân biệt trường công lập hay dân lập, mà phải tin vào công cuộc đào tạo công dân toàn cầu hiệu quả hơn cho đất nước. Thách thức khó khăn là vậy, chúng ta vẫn có rất nhiều thuận lợi, mà thuận lợi lớn nhất là ở con người. Những yếu tố chắc chắn nhất của công dân toàn cầu là tính cộng đồng, tình yêu thương và sự chia sẻ mà ta giữ gìn trong văn hóa bản sắc người Việt Nam. Chỉ nhìn qua trong cuộc chiến chống lại COVID-19, ta lại thấy nhiều tấm lòng nhân ái giúp đỡ nhau trong nước lẫn kiều bào quốc tế, gửi những phần quà mang tính thiết thực và chứa đựng tình cảm to lớn. Đối với một dân tộc như vậy, ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào việc giáo dục công dân toàn cầu. Niềm tin ấy lớn hay nhỏ phụ thuộc vào những người thẩm quyền về chuyên môn và đưa ra quyết định tổ chức thực hiện và quản lý vấn đề này. Đó là trách nhiệm thuộc về giáo dục, không phải thuộc về người học. Tôi mong rằng cuộc hội thảo này sẽ xúc tác nên nhiều kế hoạch xây dựng bài bản về giáo dục công dân toàn cầu.
Ngày nay, biết một ngoại ngữ đã trở thành một điều kiện cần thiết trong nhiều lĩnh vực. Các trường đại học nói chung và đại học ngoài công lập nói riêng đều có những kế hoạch hành động cụ thể để đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên. Xin PGS.TS có ý kiến đánh giá và có lời khuyên trong công tác đào tạo ngoại ngữ định hướng đào tạo công dân toàn cầu cũng như có lời khuyên gì cho sinh viên trong vấn đề này?
PGS.TS. Phan Văn Hòa: Dạy và học ngoại ngữ từ lâu đã phổ biến tại VN, đó là tín hiệu rất tốt cho sự phát triển lành mạnh. Tuy vậy, ta vẫn có 2 vấn đề cần phải giải quyết triệt để:
- Về cách học: Học ngoại ngữ là học thêm 1 thế giới văn hóa, học thêm một nền văn minh của người nói tiếng ngôn ngữ ấy, làm giàu thêm nhân cách, hành vi, cách ứng xử trước cộng đồng thế giới của mình sao cho thích hợp. Đừng xem việc học ngoại ngữ chỉ là một công cụ giao tiếp, mà hãy nói để thể hiện và nhận diện bản thân qua lời nói đó.
- Những trường học xác định ngoại ngữ ở tiêu chuẩn quá cao, thay vì tập trung dạy cho học sinh đúng phương pháp, tập trung giải quyết vấn đề đúng tầm của một học sinh. Điều này làm chệch hướng giáo dục ngoại ngữ và không đúng với nhu cầu xã hội.
Để đào tạo công dân toàn cầu, các bạn trẻ nên xác định đúng mục tiêu học ngoại ngữ: là để thể hiện hành vi giao tiếp của mình một cách chuẩn mực, đầy đủ yếu tố văn hóa và tư cách của một công dân VN nằm đóng góp vào phát triển và tham gia giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Ngoại ngữ là 1 môn cần thiết như những môn học khác trong nhà trường, là môn phát triển trí lực, mở rộng tầm nhìn và giúp ta hòa nhập suôn sẻ với cộng đồng thế giới.
Viện KHXH&NV