Ban tổ chức Hội thảo SSH 2021 trân trọng giới thiệu clip phỏng vấn PGS.TS. Lê Hữu Ái, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng về đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn.
PGS.TS. Lê Hữu Ái, Giảng viên Khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng
Hiện nay toàn cầu hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực của đời sống. Theo PGS nhận định thì xu hướng này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thế giới chúng ta trong hiện tại và tương lai? Vai trò của ngành giáo dục trong tiến trình này là gì?
PGS.TS. Lê Hữu Ái: Hiện nay khái niệm toàn cầu hóa rất thông dụng, được thể hiện trong các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các xu hướng của toàn cầu hóa ảnh hưởng đến nhiều mặt tích cực lẫn tiêu cực ở cả hiện tại và tương lai. Theo phương diện tích cực, toàn cầu hóa được hiểu là quốc tế hóa trong các lĩnh vực, dẫn đến công nghệ phát triển, kết nối toàn cầu và con người xích lại gần nhau hơn. Cũng vì như thế, con người có thể nhanh chóng đưa ra tiếng nói chung, trình bày quan điểm để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu. Nhờ vào toàn cầu hóa mà con người cũng dễ dàng sử dụng các dịch vụ tốt và chất lượng hơn. Tuy vậy, toàn cầu hóa cũng mang nhiều thách thức lớn, khi ranh giới của các quốc gia bị xóa nhòa, làm cho các bản sắc văn hóa dân tộc dễ bị phai nhòa, mai một và dễ bị biến đổi. Các vấn đề môi trường, dân số, khủng bố, dịch bệnh cũng trở thành những vấn nạn lớn trên toàn cầu. Như vậy, toàn cầu hóa mang đến cả những cơ hội và thách thức cho các quốc gia trong môi trường chung.
Khi gia nhập vào môi trường toàn cầu hóa, nước ta phát hiện được nhiều hạn chế và bất cập của giáo dục. Đối với tôi, giáo dục phải là định hướng cho toàn cầu hóa và chúng ta phải đưa ra nhiều thay đổi trong chiến lược trong giáo dục trong các phương diện sau:
- Môi trường toàn cầu hóa đòi hỏi giáo dục phải tạo ra được kiến thức tiêu biểu và phù hợp cho toàn cầu hóa
- Phải đào tạo được kỹ năng cho công dân mang tính toàn cầu để thực hiện những vấn đề toàn cầu
- Phải có thái độ đúng đắn trong việc xử lý và thực hiện vấn đề mang tính toàn cầu, tôn trọng được pháp luật, bảo vệ lợi ích của quốc gia, bảo vệ tiếng mẹ đẻ trong quá trình toàn cầu hóa.
Những công việc như thế không có một cơ quan nào tốt hơn ngành giáo dục và đào tạo
Khái niệm "công dân toàn cầu" là một khái niệm mới có trong khoảng 20 năm trở lại đây. Nó cho chúng ta thấy sự hòa hợp của tất cả người dân trên toàn thế giới này. Vậy thầy có suy nghĩ như thế nào về khái niệm và những đặc điểm của công dân toàn cầu? Việc đào tạo công dân toàn cầu có quan trọng đối với nước ta hay không?
PGS.TS. Lê Hữu Ái: Khái niệm Công dân toàn cầu rất phổ biến hiện nay, là kết quả tất yếu của toàn cầu hóa nên sẽ thay đổi những tư tưởng cũ về kinh tế, chính trị, văn hóa, đạo đức. Vì vậy, đào tạo nên công dân toàn cầu là việc khách quan và tất yếu, tạo ra những công dân có thể đáp ứng được xu thế vận động của toàn cầu hóa. Họ phải đáp ứng được kiến thức và kỹ năng cần thiết trong môi trường công dân toàn cầu. Đối với kiến thức, phải lĩnh hội được nhiều mặt như khoa học, văn hóa, pháp luật xu thế vận động và biến đổi của xã hội, môi trường đa văn hóa, hiểu biết pháp luật quốc tế. Về kỹ năng, họ phải vận dụng được kiến thức, kỹ năng mềm trong xử lý, làm việc nhóm, sáng tạo và hợp tác, kỹ năng về sử dụng ngôn ngữ chung trong công việc. Về thái độ, phải tạo nên những con người biết tôn trọng pháp luật, thừa nhận những giá trị cộng đồng chung khi làm việc, tôn trọng trong môi trường đa VH, biết được giá trị của tiếng mẹ đẻ và bản sắc vh của dân tộc mình trong môi trường toàn cầu hóa.
Theo PGS.TS., trong công tác đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực KHXH&NV thì các trường ngoài công lập có bị thiệt thòi so với các trường công lập không? Những ưu điểm nào mà các trường ngoài công lập có thể tận dụng để tham gia vào công tác này?
PGS.TS. Lê Hữu Ái: Công tác đào tạo KHXHNV trong cả 2 hệ thống trường dân lập và công lập ở nước ta hiện nay có những thiệt thòi nhất định. Trường dân lập có đôi chút thuận lợi hơn nhờ tính chất trong quản trị ĐH mềm dẻo và linh hoạt hơn, cách thức học thức mang tính nhanh nhạy hơn với mô hình đào tạo chuyển đổi nhanh chóng để có thể đón đầu tốt hơn so với trường công lập.
Những điều cần làm để giảm đi hạn chế và tạo nên thuận lợi cho trường DL bao gồm:
- Thiết kế lại triết lý giáo dục cho hệ thống
- Thiết kế lại chương trình phù hợp cho giá trị của công dân toàn cầu
- Phương pháp đào tạo thích hợp, sử dụng nguồn lực chung của XH, chung tay thực hiện đào tạo
- Công tác kiểm định và đánh giá khách quan để văn bằng và giá trị người tốt nghiệp trong hệ thống
Viện KHXH&NV