[SSH 2021] TS. Đào Minh Hồng: Sinh viên và Nhà trường cùng chia sẻ trách nhiệm đào tạo Công dân toàn cầu

Ban tổ chức Hội thảo SSH 2021 trân trọng giới thiệu clip phỏng vấn TS. Đào Minh Hồng, Phó Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF) về đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực Khoa học Xã hội và Nhân văn. 

[SSH 2021] TS. Đào Minh Hồng: Sinh viên và Nhà trường cùng chia sẻ trách nhiệm đào tạo Công dân toàn cầu 6
TS. Đào Minh Hồng, Phó Trưởng Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF)

 
Khái niệm công dân toàn cầu đã lần đầu tiên xuất hiện cách đây 10 năm khi quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực và tác động đến cuộc sống của mỗi cá nhân. Vậy theo TS, khái niệm này đã có thay đổi như thế nào trong 10 năm qua hay vẫn giữ nguyên giá trị của nó?
 
TS. Đào Minh Hồng: Khái niệm công dân toàn cầu lần đầu tiên xuất hiện trên văn bản và sau đó được sử dụng rộng rãi năm 2010. Trong 15 năm qua, khái niệm này đã có 3 lần thay đổi rõ nét. Trong năm 2010, khái niệm ra đời với mục tiêu định hướng tư duy toàn cầu, bao gồm ý thức, trách nhiệm và thái độ quan tâm của mỗi công dân trên thế giới đến các vấn đề toàn cầu. Đến tháng 12 năm 2019, khái niệm công dân toàn cầu bền vững được đưa ra trong một Hội thảo giáo dục và phát triển thanh thiếu niên ở Ý. Khái niệm mới khẳng định mỗi cá nhân đã nhận thức được trách nhiệm của mình với các vấn đề toàn cầu và những đóng góp thực tiễn của mỗi cá nhân. Tuy tư duy mang tính toàn cầu nhưng hành động ở ngay địa phương để bảo đảm sự bền vững cộng đồng. Năm 2021, các khảo sát ở châu Âu cho thấy điều giúp nhân loại tồn tại khi diễn ra đại dịch COVID 19 chính là nhân văn, bổ sung cho khái niệm công dân toàn cầu.
 
Mới đây, vào ngày 14/7/2020 đã diễn ra Hội thảo Giáo dục VN 2011 – 2020, một báo cáo tổng kết về giáo dục đại học đã cho thấy giáo dục ĐH VN nói chung và Giáo dục ngoài công lập sau 10 năm hầu như ko có gì thay đổi. Điển hình, số lượng sinh viên của các Trường ĐH ngoài công lập đến bây giờ vẫn chỉ chiếm tối đa 30% tổng số sinh viên. Theo TS, thì các trường đại học ngoài công lập có vai trò gì đối với việc đào tạo công dân toàn cầu?

TS. Đào Minh Hồng: Tôi là một giảng viên ở cả hai môi trường công lập và dân lập. Trong buổi giảng đầu tiên trong các trường dân lập, tôi thường khuyến khích các em sinh viên nên thấy tự hào vì đã đi học bằng đúng đồng tiền gia đình và cá nhân bỏ ra và tích lũy, không sử dụng hoang phí tiền thuế của nhà nước. Điều này còn cho thấy các bạn đã dấn thân vào con đường phát triển trở thành công dân toàn cầu, vì lựa chọn vào trường dân lập là một sự đổi mới trong tư duy so với suy nghĩ phổ biến về trường công lập, từ đó cho thấy bạn chấp nhận thử thách và rủi ro. Đồng thời, điều này còn cho thấy ý thức trách nhiệm đối với tài chính của gia đình và sự phát triển bản thân. Ngoài ra, tuy các trường dân lập thường ít được nhận ưu tiên như các trường công lập, nhưng đó lại là động lực để các trường dân lập tìm được hướng phát triển và giữ cam kết với sinh viên. Như vậy, sinh viên có thể đồng hành cùng nhà trường trên con đường khám phá giáo dục, dám mạnh dạn bước ra khỏi vùng an toàn để chia sẻ trách nhiệm chung – đó là yếu tố quan trọng nhất của công dân toàn cầu.
 
Hiện nay, với việc đại dịch Covid đang hoành hành trên thế giới và có những tác động to lớn trên bình diện toàn cầu, người ta đã đặt ra khái niệm "bình thường mới" (The New Normal). Vậy theo TS, bình thường mới sẽ đặt ra những vấn đề gì với việc đào tạo công dân toàn cầu
 
TS. Đào Minh Hồng: Thuật ngữ "Bình thường mới" (The New Normal) lần đầu tiên xuất hiện trong cuộc khủng hoảng tài chính kinh tế thế giới 2008, cho thấy những biến đổi mạnh mẽ về kinh tế - xã hội và sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu lúc bấy giờ. Cho đến khi diễn ra dịch COVID-19 những năm gần đây, thuật ngữ này được sử dụng trở lại một cách mạnh mẽ. Ý nghĩa của thuật ngữ cho thấy những gì trước kia là bình thường thì bỗng trở nên bất bình thường, những gì bất bình thường để thích ứng với thời kỳ bệnh dịch lại trở nên bình thường. Ví dụ như những hội thảo online đã từng diễn ra một cách bất bình thường thì nay lại trở nên bình thường. Qua khảo sát được công bố vào tháng 5 năm 2021 về “The New Normal” trên 14000 công dân của 6 nước châu Âu và Mỹ, cho thấy kết quả bất ngờ: dù diễn ra khủng hoảng dịch bệnh, điều làm các quốc gia vẫn tồn tại chính là nhân văn. Tình người và giá trị nhân văn là điều gắn kết con người cùng nhau để vượt qua khủng hoảng. Dù trong tương lai bất định, xã hội loài người vẫn phát triển nhờ vào giá trị nhân văn, đó là điều mà mỗi công dân toàn cầu phải nhận thức được.

Viện KHXH&NV
14592431