Với chủ đề “Đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV) tại các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam”, Hội thảo SSH 2021 do Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) sẽ được tổ chức vào ngày 7/8 được kỳ vọng mang đến nhiều giải pháp đào tạo nhân lực thích ứng với xu thế toàn cầu hóa.
Hội thảo được tổ chức trực tuyến với sự tham gia của nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi trong lĩnh vực KHXH&NV như GS-TSKH Trần Ngọc Thêm - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Việt Nam, Viện trưởng Viện KHXH&NV HUTECH; GS-TS Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS-TS Phan Văn Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, Ủy viên thường vụ Hội Ngôn ngữ học Việt Nam...
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Việt Nam, Viện trưởng Viện KHXH&NV HUTECH
Đào tạo ngoại ngữ như một định hướng cho công dân toàn cầu
Đối với các công dân toàn cầu, ngoại ngữ là một điều kiện cần. Đào tạo ngoại ngữ như một định hướng đào tạo công dân toàn cầu cũng là một trong những chủ đề mà Hội thảo SSH 2021 quan tâm. PGS-TS Phan Văn Hòa cho biết: “Học ngoại ngữ là học thêm một thế giới văn hóa của người nói ngôn ngữ ấy, làm giàu thêm nhân cách, hành vi, cách ứng xử của mình trước cộng đồng thế giới. Đừng xem việc học ngoại ngữ chỉ là một công cụ giao tiếp, mà hãy nói để thể hiện và nhận diện bản thân qua lời nói đó”.
Đào tạo ngoại ngữ - một định hướng đào tạo công dân toàn cầu - Ảnh: HUTECH
Nhiệm vụ đào tạo ngoại ngữ như một định hướng cho các công dân toàn cầu vì thế tác động tới vận mệnh từng cá nhân, cộng đồng và đất nước. Để trở thành một công dân toàn cầu, các bạn trẻ nên xác định đúng mục tiêu học ngoại ngữ: “Là để thể hiện hành vi giao tiếp của mình một cách chuẩn mực, đầy đủ yếu tố văn hóa và tư cách của một công dân Việt Nam nhằm góp phần vào sự phát triển chung”.
Từ “điểm tựa” KHXH&NV đến nhóm ngành Công nghệ
Bàn về vai trò của các nhóm ngành trong đào tạo công dân toàn cầu, PGS-TS Phan Văn Hòa cho biết: “Trên thế giới, khi bàn đến đào tạo công dân toàn cầu hay công dân tương lai thì trước hết là bàn đến giáo dục phẩm chất và giá trị hành vi, trách nhiệm. Như vậy, việc giáo dục công dân toàn cầu dù bao hàm nhiều nội dung rộng lớn thì tốt nhất vẫn là lấy điểm tựa từ KHXH&NV và mở rộng hơn đến các lĩnh vực khác”.
PGS-TS Phan Văn Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, Ủy viên thường vụ Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - Ảnh: HUTECH
GS-TS Hồ Sĩ Quý chia sẻ: “Ở một trường đại học có thế mạnh đào tạo công nghệ như HUTECH thì việc nghiên cứu vấn đề đào tạo công dân toàn cầu càng có nhiều ý nghĩa hơn. Vì công nghệ đồng nghĩa với việc kết nối và chia sẻ. Đây chính là chất xúc tác để phát triển các công dân toàn cầu, bởi yếu tố then chốt của việc hình thành công dân toàn cầu là để sẻ chia giá trị và hiểu biết của nhau”.
GS-TS Hồ Sĩ Quý - nguyên Viện trưởng Viện Thông tin KHXH Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam - Ảnh: HUTECH
Giải pháp đào tạo công dân toàn cầu từ nhiều lĩnh vực KHXH&NV
Được biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Hội thảo SSH 2021 sẽ tổ chức theo hình thức trực tuyến vào sáng 7/8. Sau phiên toàn thể, 4 tiểu ban của hội thảo sẽ thảo luận các báo cáo theo 4 chủ đề gồm KHXH&NV trong đào tạo công dân toàn cầu, những vấn đề giáo dục công dân toàn cầu, những vấn đề văn hóa - du lịch trong đào tạo công dân toàn cầu, phương pháp giảng dạy và ngoại ngữ trong đào tạo công dân toàn cầu. Đây là các báo cáo được chọn từ 54 công trình của các nhà nghiên cứu, chuyên gia từ 18 trường đại học, cơ quan quản lý giáo dục, viện nghiên cứu trên cả nước.
Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong đào tạo công dân toàn cầu - Ảnh: HUTECH
Với hình thức tổ chức trực tuyến tiện lợi, Hội thảo SSH 2021 chào đón sự tham dự của các nhà nghiên cứu, chuyên gia, sinh viên và học viên sau đại học cũng như các nhà quản lý văn hóa - giáo dục, các cá nhân và tổ chức quan tâm đến vấn đề đào tạo công dân toàn cầu. Thông tin đăng ký Hội thảo vui lòng xem chi tiết tại website www.hutech.edu.vn.
(*) Bài viết sử dụng hình ảnh được thực hiện trước tháng 4/2021
Thảo Nguyên
Báo Phụ nữ TP. HCM