Ngành Thanh nhạc được đánh giá một ngành học giàu tiềm năng phát triển đối với những bạn trẻ thực sự đam mê và có năng khiếu về ca hát, biểu diễn.
Thanh nhạc như là một sự kết hợp của ngôn ngữ và âm thanh phát ra, kết hợp lại với nhau và tạo ra những âm điệu. Yếu tố đáng quan tâm nhất ở đây chính là giọng hát của người hát, giọng hát của người hát sẽ là dụng cụ chính của một bản nhạc và giọng hát chính là yếu tố để đánh giá thanh nhạc của người đó có tốt hay không. Người học thanh nhạc ít nhiều phải có năng khiếu trong giọng hát và đam mê âm nhạc. Bạn sẽ có lợi thế hơn những ngành khác bởi bạn sẽ luôn được sống trong môi trường của âm nhạc.
Thí sinh quan tâm đến các ngành học "hot" hiện nay. Ảnh: NTCC
Khi nhắc đến các trường đào tạo âm nhạc nhiều người sẽ nghĩ đến các nhạc viện hay các trường sân khấu điện ảnh. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều trường đại học đã mở rộng phạm vi đào tạo ngành Thanh nhạc để đáp ứng cho xã hội.
Ngoài Nhạc Viện TP.HCM, Học Viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, một số trường đại học có đào tạo ngành Thanh nhạc như: Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, Cao đẳng văn hóa nghệ thuật TP.HCM,… Thí sinh cần tìm hiểu đề án tuyển sinh của mỗi trường, phương thức xét tuyển và tham khảo điểm trúng tuyến các năm gần đây để xét tuyển vào trường đại học phù hợp nhất với năng lực, kết quả học tập và kết quả thi tốt nghiệp THPT.
Sinh viên ngành Thanh nhạc ra trường có cơ hội việc làm vô cùng rộng mở. Đó cũng là lý do khiến nhiều quan trẻ quan tâm. Nếu học ngành Thanh nhạc, chắc chắn bạn không bao giờ phải lo lắng về vấn đề việc làm như các ngành nghề khác. Bạn có thể làm việc với những vị trí sau: Làm việc tại các nhà hát, nhạc viện, các đài phát thanh truyền hình, đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp, các trung tâm văn hóa,… Cơ hội trở thành những ca sĩ, nghệ sĩ biểu diễn chuyên nghiệp trên sân khấu; Làm giảng viên Thanh nhạc cho các trường Đại học, Cao đẳng; Hướng dẫn dàn dựng các chương trình nghệ thuật quần chúng cho các đơn vị nghệ thuật quân đội, trung tâm văn hóa.
Chia sẻ với PV báo Dân Việt, nhạc sĩ Sỹ Luân, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc – Nghệ thuật, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, cho biết: "Ngành Thanh nhạc tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM không chỉ đào tạo sinh viên trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp mà với các bạn có các khả năng khác ngoài ca hát, giảng viên sẽ định hướng và hỗ trợ chuyên môn để các bạn trở thành một đạo diễn, biên tập viên âm nhạc, giáo viên dạy nhạc, nhạc sĩ sáng tác ca khúc.
Sinh viên Thanh nhạc có nhiều cơ hội được tham gia chương trình hoạt động văn hoá, nghệ thuật trên khắp cả nước và các chương trình trao đổi giao lưu văn hoá ở nước ngoài. Ảnh: NTCC
Với định hướng đào tạo mang tính ứng dụng cao, bên cạnh các kiến thức lý thuyết, trường chú trọng thực hành để sinh viên Thanh nhạc sớm cọ xát thực tế và trang bị những kỹ năng nghề quan trọng, trong đó nổi bật có phần thi thực hành biểu diễn - sinh viên có cơ hội thể hiện khả năng của mình trên sân khấu, được rèn luyện trực tiếp với band nhạc. Đây là một môn học trong chương trình đào tạo đồng thời cũng là phần thi kết thúc môn của một số môn chuyên ngành. Môn học này là bắt buộc sinh viên phải đạt trước khi tốt nghiệp nhằm giúp cho các bạn hoàn thiện các kỹ năng từ giọng hát và phong cách biểu diễn trước đám đông, làm việc nhóm, biết kết hợp những kiến thức âm nhạc được học cùng kỹ thuật thanh nhạc để tạo ra phiên bản hoàn hảo cho chính mình".
Khi được hỏi về việc sinh viên học và trình diễn Thực hành biểu diễn có phải đóng thêm chi phí không, đại diện trường cho biết: "Với ngành Thanh nhạc, sinh viên được học tại không gian thực hành là sân khấu biểu diễn, phòng thu đến phòng hoà nhạc. Tại đây, các bạn được thỏa sức thể hiện và trau dồi chuyên môn mà không phải đóng thêm bất kỳ chi phí nào ngoài học phí trong chương trình học. Khi tham gia phần thi thực hành biểu diễn, sinh viên không phải đóng thêm tiền.
Đối với sinh viên Thanh nhạc, bên cạnh các phần thực hành biểu diễn trong chương trình học, sinh viên còn được kết nối với nhiều đơn vị truyền thông trong và ngoài trường để có thể đi trình diễn thực tế bên ngoài, trải nghiệm công việc dàn dựng, biên tập âm nhạc ở nhiều sự kiện khác nhau. Đây là cơ hội để các bạn va chạm thực tế, tích lũy kinh nghiệm làm nghề giá trị, sẵn sàng tỏa sáng ngay sau tốt nghiệp".
Là một trong những đơn vị đào tạo có quy mô và chất lượng cao trong cả nước, Khoa Thanh nhạc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện đang đào tạo giảng viên, nghệ sĩ biểu diễn Thanh nhạc ở các bậc Trung cấp 4 năm, Đại học 4 năm và Cao học 2 năm.
Khoa thường xuyên tham gia nhiều chương trình hoạt động văn hoá, nghệ thuật trên khắp cả nước và các chương trình trao đổi giao lưu văn hoá ở nước ngoài. Đại diện trường cho hay: "Mỗi đợt tốt nghiệp, Học viện tổ chức 2 lần biểu diễn: Một lần chung cho tất cả sinh viên tốt nghiệp và một lần cho những sinh viên xuất sắc. Các em tham gia không phải đóng bất kỳ khoản học phí nào. Đây là quyền lợi các em được hưởng khi là sinh viên của Học viện".
TÀO NGA