Sự kiện nằm trong khuôn khổ Cuộc thi InnoCulture 2024, nhằm giúp các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hiểu rõ hơn nhu cầu công nghệ ứng dụng trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, để có thể đưa ra những ý tưởng hoặc sản phẩm phù hợp tham gia cuộc thi.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, phần lớn các nhà quản lý chuyên ngành chưa thực sự hiểu rõ và cập nhật các công nghệ mới. Hầu hết, nhân lực làm công tác văn hóa chưa được trang bị nhiều kiến thức về khoa học-công nghệ, nhất là công nghệ cao, thành tựu mới về công nghệ.
Do đó, các đơn vị liên quan cần phải nhanh chóng phát triển công nghiệp văn hóa để có nguồn thu lớn từ ngành công nghiệp này bằng việc thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của ngành công nghiệp văn hóa gắn với ứng dụng khoa học-công nghệ hiện đại.
Đại diện Trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, để phát triển công nghệ trong công nghiệp văn hóa, trước hết, các văn nghệ sĩ cần không ngừng nâng cao năng lực, ý thức đổi mới tư duy, sáng tạo. Trong đó, tập trung sáng tạo những tác phẩm văn học nghệ thuật thể hiện sự đa dạng về chủ đề, đề tài, trên các nền công cụ hiện đại.
Đề cập đến Cuộc thi Tìm kiếm dự án đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa năm 2024 (InnoCulture 2024), bà Lê Thị Bé Ba, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (Saigon Innovation Hub) nhấn mạnh, cuộc thi sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển các mô hình, giải pháp công nghệ có khả năng cạnh tranh trên thị trường các nước trong khu vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh.
Cuộc thi gồm các lĩnh vực: Quảng cáo, điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, du lịch văn hóa, thời trang...
Thí sinh có cơ hội nhận phần thưởng từ 40 triệu đến 400 triệu đồng và được kết nối đầu tư-tư vấn thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Dự kiến, Ban tổ chức sẽ công bố kết quả cuộc thi và trao biểu trưng cho các dự án được chọn tham gia chương trình ươm tạo tại sự kiện WHISE 2024 vào tháng 11/2024.