Tạo điều kiện cho sinh viên Truyền thông đa phương tiện phát huy trực quan cảm thụ nghệ thuật và tìm hiểu thực tế quy trình làm phim, ngày 28/10, Khoa Truyền thông & Thiết kế Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức buổi xem phim và giao lưu cùng ekip bộ phim “Ngày xưa có một chuyện tình” cho các bạn tại Galaxy Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM).
Được biết, đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ học phần Cảm thụ nghệ thuật truyền thông và Nghiệp vụ đạo diễn.
Tại buổi giao lưu, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ đến sinh viên các khâu để sản xuất ra một tác phẩm phim điện ảnh hoàn chỉnh. Theo đạo diễn, quá trình sản xuất phim thông thường có 80% hoạt cảnh được thiết lập sẵn như kế hoạch, còn lại 20% là phát sinh tại phim trường. Điều quan trọng là phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các tổ như tổ biên kịch, thiết kế, kỹ xảo, quay dựng,… để đề xuất những phương án điều chỉnh kịch bản khả thi, đảm bảo diễn tiến của phim được trơn tru, hợp lý.
Câu chuyện trong bộ phim không chỉ đơn thuần là một tác phẩm nghệ thuật mà nó là một hành trình khám phá tình cảm con người. Tất cả những cảm xúc được thể hiện một cách duy mỹ qua hình ảnh và biểu cảm sâu sắc, chân thật theo cung bậc cảm xúc của chính diễn viên và nhân vật, là yếu tố “đắt giá” tạo nên sự kết nối cảm xúc của nhân vật phim và khán giả.
Chương trình thu hút đông đảo sinh viên tham gia
Đồng thời, đạo diễn cũng cho biết, để tạo ra những khoảnh khắc giúp cho tâm lý của nhân vật cũng như diễn viên được phát triển tự nhiên, chạm đến mạch cảm xúc của khán giả thì các khâu dàn dựng, sản xuất phải gọn gàng, nhanh chóng. Chỉ như vậy, người làm phim và diễn viên mới có thời gian suy nghĩ nhiều hơn về nhân vật và đẩy mạnh quá trình nuôi dưỡng cảm xúc.
Những phân đoạn khó bên cạnh do đòi hỏi diễn viên biểu đạt tâm lý, cảm xúc phức tạp thì đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng nhấn mạnh về phân cảnh khó do đòi hỏi yếu tố kỹ thuật cao, đầu tư trong quá trình ghi hình. Đơn cử như phân đoạn cánh đồng bắp bị cháy, đoàn làm phim đã phải đặt rất nhiều công sức vào chúng. Từ việc chuẩn bị 3600 cây bắp ban đầu - cả trồng trọt và loại bỏ những cây bị úng trên cánh đồng bao la, đến đốt cháy tất cả cánh đồng bắp đều được làm thực tế chứ không dùng kỹ xảo. Ông chia sẻ: “Do việc đốt rẫy bắp chỉ diễn ra một lần không có lần thứ hai, nên các phân đoạn từ dựng bối cảnh, sắp xếp góc máy quay đến điều phối diễn viên tương tác với đám cháy như thế nào để hoạt cảnh diễn ra chân thực nhất nhưng cũng đồng thời phải đảm bảo an toàn cho diễn viên là điều rất khó. Vì vậy, mọi thứ phải được đảm bảo diễn ra thật kỹ lưỡng và hoàn hảo”.
Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh chia sẻ về hành trình làm phim Ngày xưa có một chuyện tình
Bật mí về việc lựa chọn câu chuyện có giá trị nhân văn qua tác phẩm “Ngày xưa có một chuyện tình”, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh bộc bạch:“Câu chuyện tình cảm trong ‘Ngày xưa có một chuyện tình’ không chỉ phản ánh những rung động của con người mà còn có sức mạnh kết nối với đông đảo khán giả. Trong bối cảnh cách đây 20-30 năm nhưng những giá trị tình cảm bất hữu ngày ấy vẫn còn ý nghĩa đến tận ngày nay, lưu luyến trong trái tim của mỗi con người”.
Cùng với chia sẻ về việc sản xuất ra tác phẩm phim, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cũng nói thêm về con đường trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông hoặc là một đạo diễn giỏi đến sinh viên. Anh khuyến khích sinh viên có thể bắt đầu tham gia thực tập thử sức trong nhiều vai trò khác nhau của đoàn phim như: trợ lý sản xuất, trợ lý đạo diễn, biên kịch,... Bên cạnh đó, sinh viên cũng nên trau dồi thêm các kiến thức chuyên ngành thiết yếu như: lên kế hoạch truyền thông, quảng bá và phát hành marketing phim,… để hiểu rõ cách thức mà một bộ phim đến gần với khán giả.
Sinh viên được khuyến khích trau dồi kiến thức và kỹ năng chuyên môn để có thể tự tin làm nghề
“Ngoài ghi nhớ, nắm vững nghiệp vụ chuyên ngành ở các khía cạnh như: kỹ thuật, máy quay, bối cảnh, ánh sáng, âm thanh, diễn xuất thì sự nhạy cảm và tư duy đa chiều là yếu tố cần thiết để sinh viên theo đuổi đam mê trong ngành truyền thông, đặc biệt là trong sản xuất phim. Đây là những yếu tố không thể thiếu để tạo ra một tác phẩm điện ảnh thành công” - Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh nhấn mạnh.
Không chỉ giao lưu cùng đoàn làm phim, các bạn còn được thưởng thức bộ phim ngay tại rạp chiếuBạn Nguyễn Tấn Huy phấn khởi bày tỏ giá trị học thuật hữu ích sau khi tham gia trải nghiệm tại chương trình
Tham gia trải nghiệm tại chương trình, bạn Nguyễn Tấn Huy - sinh viên năm nhất ngành Truyền thông đa phương tiện cho biết: “Những phân cảnh quay với góc máy rộng, thể hiện khung cảnh bao la bất tận của cánh đồng quê trong phim đã tạo cho em một sự kết nối đặc biệt, gợi lên cảm giác gần gũi với quê hương. Buổi học tập thực tế hôm nay không chỉ nuôi dưỡng cảm xúc riêng của em mà còn mở rộng kiến thức về các kỹ thuật trong điện ảnh, giúp em hiểu rõ hơn về tỷ lệ khung cảnh, cắt và chuyển cảnh trong một bộ phim”.
Buổi giao lưu tạo cơ hội cho sinh viên học hỏi, chiêm nghiệm các yếu tố nghệ thuật trong điện ảnh
Buổi giao lưu không chỉ là cơ hội học hỏi mà còn là dịp để sinh viên chiêm nghiệm các yếu tố nghệ thuật trong điện ảnh. Những phân cảnh đẹp, được dàn dựng chỉn chu của phim đã đánh thức sự tò mò và tình yêu nghệ thuật sinh viên. Điều này không chỉ giúp sinh viên tăng cường khả năng cảm thụ nghệ thuật mà còn khám phá tối đa các quy trình làm phim, từ khâu chuẩn bị đến việc thể hiện nghệ thuật trên màn ảnh.
Tin: Hồng Loan
Ảnh: Hoàng Nam - Tiến Đạt
TT. Truyền thông