Những chia sẻ từ chuyên gia Nhà xuất bản Đại học Cambridge Việt Nam tại buổi tập huấn kỹ năng thiết kế hoạt động dạy và học phân hoá trong giáo trình “Four Corners” cho giảng viên Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã mang lại nhiều kiến thức hữu ích trong việc thiết kế chương trình giảng dạy cho sinh viên theo xu hướng mới.
Đông đảo thầy cô tham gia buổi tập huấn kỹ năng thiết kế hoạt động giảng dạy tại Saigon Campus vừa qua
Đảm nhận vai trò diễn giả chính của chương trình là cô Phạm Hoàng Uyên - Trưởng phòng Dịch vụ Đánh giá khu vực Đông Bắc Á - Thái Bình Dương Nhà xuất bản Đại học Cambrige Việt Nam. Cô đã mang đến nhiều kiến thức thú vị qua các bài thực hành, giúp giảng viên nhận diện các vấn đề thường gặp trong lớp học và chọn lựa cách giải quyết phù hợp.
Lãnh đạo Khoa Tiếng Anh gửi tặng quà đến đại diện NXB ĐH Cambridge Việt Nam
Với lớp học quy mô lớn khi sinh viên lên đến cả trăm người, các giảng viên buộc phải đối mặt với những thách thức trong quá trình quản lý lớp. Diễn giả đã đem đến nhiều phương pháp giúp các thầy cô kiểm soát và điều hành lớp học thuận lợi hơn. Cô nhấn mạnh, sự biến đổi linh hoạt của giảng viên là yếu tố then chốt trong việc hướng dẫn bài học. Bên cạnh đó, lớp học quy mô lớn cũng mang lại lợi ích khi đông đảo sinh viên mang lại đa dạng ý tưởng đóng góp xây dựng giờ học, góp phần làm cho bầu không khí buổi học trở nên sinh động và đa chiều.
Diễn giả Phạm Hoàng Uyên đã mang đến nhiều "tips" thú vị về cách thiết kế các kỹ năng giảng dạy
Sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ bắt buộc, giảng viên có thể tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hoạt động phát biểu ý kiến, tranh luận, giao tiếp với bạn học và thầy cô,… từ đó làm tăng sự hào hứng cho không khí học tập. Đồng thời, giảng viên cũng cần lưu ý đặt giới hạn thời gian, yêu cầu lượng tiếng Anh tối thiểu cho mỗi hoạt động, khuyến khích sinh viên gia tăng vốn từ thông qua các phương tiện khác như tranh ảnh, video,… để tránh sự nhàm chán, khô khan trong quá trình giảng dạy.
Giảng viên sôi nổi tham gia hoạt động, tìm kiếm các phương pháp giảng dạy mới cho sinh viên
Với một lớp học không có sự đồng đều giữa trình độ của sinh viên, cô Hoàng Uyên đã đưa ra các phương pháp học tập phù hợp như: chia nhóm học tập có cả sinh viên năng lực tốt và năng lực yếu, giảng viên ưu tiên sửa lỗi cho sinh viên yếu hơn nhằm cổ vũ tinh thần học của các bạn. Cùng với đó, thầy cô nên cân chỉnh các bài tập phù hợp với trình độ mỗi bạn, nhằm giúp các bạn từng bước tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.
Cân chỉnh bài giảng giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu là yếu tố quan trọng mang lại hiệu quả cao trong giờ học
Nhiều phương pháp giảng dạy mới cho các kỹ năng đọc, viết, nghe và nói trong tiếng Anh cũng được cô Hoàng Uyên giới thiệu đến giảng viên, nhằm thiết lập chương trình dạy học mới phù hợp với sự phát triển của sinh viên. Giảng viên cần chủ động điều chỉnh giáo trình phù hợp với năng lực của sinh viên, đồng thời khuyến khích các bạn nâng cao tinh thần tự học để sẵn sàng cho những thử thách mới.
Những câu hỏi về cách thiết kế giáo trình phù hợp cũng được diễn giả giải đáp cụ thể tại chương trìnhViệc nâng cao chất lượng giảng dạy sẽ "tiếp lửa" cho sinh viên tinh thần học tập của trong xu thế mới
Buổi tập huấn đã giúp giảng viên Khoa Tiếng Anh mở rộng nhiều kỹ năng giảng dạy và thiết kế bài học tương thích với sinh viên, từ đó nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập trong Nhà trường. Cô Phạm Hoàng Uyên nhấn mạnh:“Trong lớp học có nhiều trình độ, điều quan trọng là phải khen ngợi mọi nỗ lực. Đừng so sánh học sinh giỏi với học sinh yếu, chỉ so sánh sự tiến bộ của học sinh với thành tích của chính các em”.
Tin: Hoài Như
Ảnh: Hoàng Nam
TT. Truyền thông