Đau vai gáy đang có xu thế gặp ở rất nhiều lứa tuổi và công việc khác nhau. Bệnh do nhiều nguyên nhân gây ra, đặc biệt những thói quen sinh hoạt và làm việc không đúng càng làm cho bệnh tiến triển nặng hơn. Học sinh, sinh viên đang dần trở thành những đối tượng mắc căn bệnh đau vai gáy với tỷ lệ ngày càng cao.
Bước vào ngưỡng cửa đại học những cô cậu sinh viên được tiếp xúc với những môn học và các phương pháp dạy và học hoàn toàn mới mẻ. Có thể thời gian học tập trên lớp ít hơn, phương pháp giảng dạy thuyết trình yêu cầu sinh viên có sự nghiên cứu và chuẩn bị bài từ trước. Thời gian làm việc máy tính nhiều, tư thế ngồi học và làm việc không đúng là những nguyên nhân chính gây ra bệnh đau vai gáy ở học sinh, sinh viên.
Tư thế ngồi học không đúng thường khiến sinh viên, học sinh dễ mắc bệnh đau vai gáy
Bệnh đau vai gáy biểu hiện chủ yếu với các triệu chứng như đau mỏi vùng cổ, co cứng các khối cơ vùng cổ, bả vai, kèm theo cảm giác tê bì vùng vai lan xuống tay. Các triệu chứng này biểu hiện có thể do các nguyên nhân cơ năng hoặc thực thể tại cơ, xương, khớp, các dây thần kinh vùng cổ, vai, gáy.
Đối với sinh viên bệnh mang tính chất thông thường do thói quen sinh hoạt không đúng, tuy nhiên không loại trừ các nguyên nhân thực thể, vì thế khi có biểu hiện bệnh cần đi khám và điều trị kịp thời. Khi ngồi học trên lớp nếu tư thế ngồi không đúng, bàn ghế quá cao hoặc quá thấp, ngủ gục trên bàn,… làm cho các cơ vùng cổ và bả vai làm việc vượt quá giới hạn bình thường lâu dần dẫn đến co cơ gây đau và mỏi vùng vai gáy. Khi đó bệnh nhân thường biểu hiện đau nhói tại một vùng khu trú ở bả vai. Tình trạng này kéo dài, các khối cơ không được nghỉ ngơi thư giãn sẽ co cứng gây đau nhức liên tục, lan xuống dưới cẳng tay, cánh tay thậm chí các ngón tay. Ngồi hàng giờ bên máy tính học bài, nghe nhạc, xem phim,… là những hoạt đọng thường xuyên của các bạn sinh viên.
Ngồi lâu học bài cũng khiến sinh viên dễ bị đau vùng thắt lưng
Đây là một thói quen xấu không những gây bệnh vùng vai gáy mà còn có thể ảnh hưởng nhiều cơ quan khác như tổn thương mắt, cột sống cổ, cột sống thắt lưng,…Vì thế để ngăn ngừa bệnh tiến triển và tái phát, cần có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi hợp lý. Tránh ngồi hàng giờ bên máy tính hoặc bàn học, sau mỗi tiết học hoặc sau khoảng 45-60 phút cần thay đổi tư thế, đứng lên đi lại, vận động, xoa bóp các cơ vùng cổ gáy. Không nên ngủ gục trên bàn, nằm ra bàn để học. Luôn giữ thẳng lưng, ngồi học ở khoảng cách phù hợp với bàn ghế, nghỉ ngơi thư giãn khi có các triệu chứng đau mỏi vùng cổ gáy. Như vậy căn bệnh đau vai gáy ở sinh viên chủ yếu là do thói quen học tập sinh hoạt không đúng.
Vì thế để phòng tránh bệnh rất đơn giản,cần có thời gian làm việc, học tập phù hợp cũng như tư thế đúng, có thời gian nghỉ ngơi thư giãn giữa các giờ học. Khi có triệu chứng đau mỏi nhiều có thể dùng dầu gió xoa bóp nhẹ nhàng chỗ đau, dùng cao dán giảm đau. Khi ngủ không nằm gối cao, không quay lắc đầu, cổ một cách đột ngột. Vận động tập thể dục thể thao cũng là những cách phòng tránh bệnh tích cực.
Bác sĩ Y Học Cổ Truyền - Vũ Thị Tươi