KHOA THÚ Y - CHĂN NUÔI PHỐI HỢP CÙNG TRƯỜNG ĐẠI HỌC CẦN THƠ VÀ CƠ QUAN HỢP TÁC QUỐC TẾ NHẬT BẢN (JICA) TỔ CHỨC TẬP HUẤN VÀ CHUYỂN GIAO CÁC KỸ THUẬT THỰC HIỆN PHƯƠNG PHÁP PCR TRÊN ĐỐI TƯỢNG VI SINH
Với mong muốn nâng cao chất lượng chuyên môn cho các Thạc Sĩ, Bác sĩ Thú y, đồng thời hợp tác đào tạo – nghiên cứu, ứng dụng các mô hình mới trong chẩn đoán và điều trị bệnh động vật, trong ngày 25/11/2024, tại Thủ Đức Campus, Khoa Thú y - Chăn nuôi Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã phối hợp cùng Trường Đại Học Cần Thơ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện dự án hợp tác kỹ thuật tổ chức buổi " Tập huấn và chuyển giao các kỹ thuật thực hiện phương pháp PCR trên đối tượng vi sinh". Buổi tập huấn là cơ hội quý giá cho học viên cao học, sinh viên của Khoa được trau dồi, học hỏi nhiều kiến thức chuyên môn hữu ích.
Tham dự khoá học có sự hiện diện của GS.TS. Nguyễn Trọng Ngữ - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ - Chủ nhiệm Mô hình 3 - Mô hình chăn nuôi vịt bán công nghiệp, an toàn dịch bệnh, TS. Lê Trung Kiên – Giảng viên phụ trách lớp học. Đại diện Khoa Thú y – Chăn nuôi có sự hiện diện của TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan – Trưởng Khoa Thú y – Chăn nuôi, ThS. Vũ Hải Yến – Phó Trưởng Khoa Thú y – Chăn nuôi, TS. Nguyễn Văn Phát – Trưởng ngành Thú y, TS. Trịnh Thị Lan Anh – Trợ lý Trưởng Khoa, NCS. ThS Nguyễn Thị Lan Anh – Trợ lý Trưởng Khoa cùng toàn bộ GV – NV, Học viên Cao học và sinh viên của Khoa.
Hình 1: Đại biểu tham gia buổi tập huấn
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan – Trưởng Khoa Thú y – Chăn nuôi đã đề cao vai trò của kỹ thuật PCR trong chẩn đoán bệnh trên động vật hiện nay. Cô nói “Chúng ta đang đứng trước những cơ hội quan trọng để nâng cao khả năng ứng dụng các phương pháp kỹ thuật hiện đại vào công tác giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực thú y. Một trong những phương pháp tiên tiến, mang lại hiệu quả cao trong việc xác định và phân tích các tác nhân vi sinh vật gây bệnh, đó là phương pháp PCR (Polymerase Chain Reaction). Đây là một công cụ vô cùng quan trọng trong việc chẩn đoán, phát hiện mầm bệnh và nghiên cứu các vi sinh vật trong lĩnh vực chăn nuôi và thú y”.
Hình 2: TS. Nguyễn Vũ Thuỵ Hồng Loan – Trưởng Khoa Thú y – Chăn nuôi phát biểu khai mạc chương trình
Đồng thời, trong bài phát biểu của mình, cô cũng bày tỏ sự trân trọng được đón tiếp GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ đến và chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật PCR cũng như mô hình nghiên cứu của Thầy trong nhiều năm vừa qua. Cô nói “Khóa tập huấn chuyển giao kỹ thuật PCR lần này không chỉ là dịp để chúng ta trang bị những kiến thức mới, mà còn là cơ hội để chúng ta cùng nhau thảo luận, trao đổi kinh nghiệm và hợp tác trong công tác nghiên cứu khoa học. Chúng tôi đặc biệt vinh dự khi được đón tiếp Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Hiệu trưởng Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ. Với bề dày kinh nghiệm và những thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực khoa học nông nghiệp, sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Trọng Ngữ sẽ góp phần làm phong phú thêm nội dung và giá trị của khóa học này”.
Hình 3: GS.TS. Nguyễn Trọng Ngữ phát biểu
Tiếp lời, GS.TS. Nguyễn Trọng Ngữ - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ đã có bài phát biểu đầy giá trị, mở ra một hướng mới về hợp tác đào tạo – nghiên cứu giữa Trường Đại Học Công Nghệ TpHCM – Trường Đại Học Cần Thơ và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Thầy nói “Hôm nay, tôi rất vinh dự được chia sẻ về sự hợp tác giữa Tổ chức Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Việt Nam, một mối quan hệ đối tác chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển nông nghiệp. Đây là một minh chứng tiêu biểu cho sự kết nối giữa hai quốc gia, đồng thời là bước tiến quan trọng hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng. JICA là tổ chức mạnh về khoa học cơ bản, sở hữu đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến. Trong khi đó, Việt Nam có đội ngũ cán bộ trẻ, năng động và nguồn tài nguyên dồi dào. Sự hợp tác giữa hai bên không chỉ mang lại giá trị khoa học mà còn thúc đẩy các dự án ứng dụng thực tiễn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Nhật Bản hiểu rõ hơn về thực trạng nghề nuôi vịt, các vấn đề liên quan đến thức ăn, an toàn sinh học và bệnh tật, Việt Nam tiếp cận kỹ thuật hiện đại, cải thiện nghiên cứu và ứng dụng thực tiễn. Sự hợp tác này giúp nâng cao chất lượng nhân lực, giá trị các bài báo quốc tế và mở ra cơ hội cho nghiên cứu chung trong tương lai. Đồng thời, việc hợp tác phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Hình 4: TS. Nguyễn Vũ Thuỵ Hồng Loan tặng hoa cho GS. TS Nguyễn Trọng Ngữ và TS. Lê Trung Kiên
Tiếp đó, học viên lớp Cao Học 24STY12 Ngành Thú y tặng hoa cho GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ như một lời tri ân sâu sắc đến Thầy vì những đóng góp to lớn cho nền nông nghiệp Việt Nam.
Hình 5: Học viên lớp Cao Học Thú y tặng hoa cho GS.TS Nguyễn Trọng Ngữ
Giảng viên giảng dạy trực tiếp buổi tập huấn này là TS. Lê Trung Kiên - Giảng viên của Khoa Thú y – Chăn nuôi -Trường Đại Học Công Nghệ TP.HCM. Bên cạnh phần lý thuyết giảng dạy tại giảng đường, học viên và sinh viên còn được thực hành trực tiếp trên máy PCR hiện đại dưới sự hỗ trợ của dự án Trường Nông Nghiệp – Trường Đại Học Cần Thơ và Công ty TNHH Khoa Học NKTBIO.
Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực sinh học phân tử khi làm Nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, TS. Lê Trung Kiên đã cung cấp những kiến thức bổ ích và giá trị cho học viên và sinh viên. Học viên được cung cấp những kiến thức về việc ứng dụng kỹ thuật phân tử trong chẩn đoán bệnh động vật bao gồm: Tổng quan, Nguyên tắc của phương pháp PCR, Phân loại các phương pháp PCR (Multiplex PCR, Nested PCR (nPCR), Đa hình chiều dài đoạn giới hạn (Restriction Fragment Length Polymorphism - RFLP) – PCR, Phiên mã ngược (Reverse Transcriptase - RT) PCR, Kỹ thuật PCR định lượng (Real-Time PCR = rt-PCR = qPCR), Kỹ thuật LAMP (Loop-Mediated Isothermal-Amplification), Kỹ thuật giải trình tự gen (Gene sequencing), Các ứng dụng khác của kỹ thuật PCR (trong virus học, vi sinh, Khoa học Nông nghiệp, trong nghiên cứu nấm và ký sinh trùng, trong điều trị ung thư…)
Hình 5: Phần tập huấn lý thuyết cho Học viên cao học và sinh viên khoa Thú y – Chăn nuôi Hutech
“Học phải đi đôi với hành”. Giờ học thực hành trực tiếp trên các trang thiết bị hiện đại cũng là thời khắc mà sinh viên chờ đợi nhất. Các bạn sinh viên được hướng dẫn thực hành và thao tác trực tiếp trên thiết bị máy PCR hiện đại bậc nhất Việt Nam đến từ dự án.
Hình 6: Lớp học PCR tại phòng thực hành
Phần thực hành bao gồm 2 phần: Tách chiết DNA/RNA và thao tác kỹ thuật trên máy PCR. Các bạn sinh viên được hướng dẫn chi tiết về cách tách chiết DNA/RNA bằng 2 phương pháp cột silica và từ tính. Sau đó, các bạn tiếp tục được thực hành kỹ thuật PCR và kỹ thuật điện di.
Hình 7: Sinh viên thao tác tách chiết DNA/RNA
Chia sẻ về buổi tập huấn đầy giá trị này, Học viên lớp Cao học Thú y 24STY12 Dư Thanh Vũ đã nói: ”Em thực sự rất phấn khởi vì được học những kiến thức quý giá, bổ ích và hiện đại. Qua buổi tập huấn này, em được tiếp nhận rất nhiều kiến thức thực tế, phục vụ hữu ích cho nghề nghiệp tương lai” “Đào tạo người học tiếp cận thực tế, phục vụ đúng nhu cầu của xã hội, đó là mục tiêu của Khoa Thú y – Chăn nuôi, Trường Đại Học Công Nghệ TpHCM. Đặc biệt hơn, khoá học này mở ra một cơ hội hợp tác quý giá giữa Trường Đại Học Công Nghệ TPHCM với Trường Nông Nghiệp – Trường Đại Học Cần Thơ và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để cùng giải quyết các vấn đề về chẩn đoán và điều trị bệnh động vật, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững tại Đồng Bằng Sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung” TS. Nguyễn Vũ Thụy Hồng Loan – Trưởng Khoa Thú y – Chăn nuôi đã chia sẻ tổng kết về khóa học.
Buổi “Tập huấn và chuyển giao các kỹ thuật thực hiện phương pháp PCR trên đối tượng vi sinh” đã giúp sinh viên học hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng quan trọng, chuyên sâu trong lĩnh vực sinh học phân tử trên động vật nói riêng và Thú y nói chung. Thêm nhiều chương trình trao đổi chuyên môn học thuật thành công nữa, Khoa Thú y – Chăn nuôi đang dần khẳng định với xã hội về chất lượng đào tạo, cập nhật nhiều kiến thức mới hơn để cung cấp cho người học những giá trị thực sự.