Ngày 10/4, sinh viên chương trình liên kết quốc tế giữa Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) và Cergy Paris Université (Pháp), Trường Lycée Français International Marguerite Duras (LFI Duras) và Trường Lycée Français Kuala Lumpur (LFKL) có cơ hội chia sẻ kết quả nghiên cứu về sự giao thoa của hai nền ẩm thực đặc sắc M’Nông (Việt Nam) và Peranakan (Malaysia) qua Workshop “Taste of Traditional: M’Nong & Peranakan Cuisines”.
Workshop là cơ hội để sinh viên ba trường chia sẻ kết quả nghiên cứu về văn hóa ẩm thực truyền thống, các yếu tố bền vững trong chế biến và bảo tồn món ăn cũng như vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch có trách nhiệm. Được biết, workshop nằm trong chuỗi sự kiện chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế Food & Society 2025 dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới.
Workshop là cơ hội để sinh viên 3 trường chia sẻ về vai trò của ẩm thực trong phát triển du lịch
Mở đầu chương trình, sinh viên HUTECH đã chia sẻ tổng quan về cà phê, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cà phê và những tiêu chí đánh giá một ly cà phê ngon. Không chỉ dừng lại ở đó, các bạn còn tận tay thực hiện pha chế một ly cà phê phin truyền thống ở Việt Nam, từ việc chuẩn bị phin, định lượng cà phê, đến kỹ thuật châm nước và thời gian chiết xuất. Đây không chỉ là cơ hội để các bạn sinh viên rèn luyện thêm kỹ năng pha chế, mà còn là dịp để bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về văn hóa cà phê độc đáo của Việt Nam.

Sinh viên HUTECH chia sẻ tổng quan về cà phê, các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng cà phê
Cùng với đó, bạn bè quốc tế được sinh viên HUTECH hướng dẫn khám phá tổng quan về tộc người M’Nông cùng ứng dụng các nguyên liệu bản địa ẩm thực của dân tộc này trong y học. Theo đó, người M’Nông không chỉ sử dụng nguyên liệu rừng để chế biến món ăn, mà còn kết hợp linh hoạt các loại thảo mộc, rễ cây, lá rừng có tính dược liệu để phòng và chữa bệnh trong đời sống hàng ngày. Một số công dụng phổ biến của các nguyên liệu các bạn khám phá được như: uống nước từ hoa đu đủ và chanh hấp cách thuỷ giúp giảm ho; lá lốt kết hợp gừng giúp giảm đau khớp; cá khô nướng muối phục hồi sức khoẻ cho phụ nữ sau sinh; rau rừng (lá bép, lá lốt, lá é, lá đắng) giúp kháng viêm, tăng sức đề kháng;…

Bạn bè quốc tế được sinh viên HUTECH hướng dẫn khám phá tổng quan về tộc người M’Nông
Chiều cùng ngày, các nhóm sinh viên đến từ LFI Duras đã trình bày những trải nghiệm từ chuyến đi thực tế tại Đắk Lắk, mang đến những góc nhìn chân thật về đời sống, văn hóa và tập quán ẩm thực của người M’Nông. Những phát hiện thú vị về mối liên hệ giữa ẩm thực, tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng đã giúp mọi người hiểu sâu hơn về văn hóa M’Nông - một nền văn hóa giàu bản sắc nhưng vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá rộng rãi.
Các nhóm sinh viên đến từ LFI Duras đã trình bày những trải nghiệm từ chuyến đi thực tế tại Đắk Lắk
Trong khi đó, sinh viên LFKL mang đến phần chia sẻ về cộng đồng Peranakan - Baba Nyonya, một nhóm dân cư có nguồn gốc lai giữa người Hoa và người Mã. Qua lăng kính của sinh viên, nền ẩm thực Peranakan được phác họa đầy màu sắc. Những nghiên cứu về hệ thống ẩm thực, bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch bền vững đã tạo nên một bức tranh phong phú về sự hòa quyện giữa ẩm thực và bản sắc dân tộc.
Sinh viên LFKL mang đến phần chia sẻ về cộng đồng Peranakan - Baba Nyonya
Đặc sắc của chương trình chính là món “Măng rừng xào thịt heo” do sinh viên HUTECH trình diễn - một tuyệt phẩm mang trọn tinh thần núi rừng Tây Nguyên, khiến cả khán phòng ngập tràn hương vị bản địa. Thông qua các hoạt động trình bày, biểu diễn và trải nghiệm thực tiễn, chương trình đã góp phần lan tỏa tình yêu với văn hóa ẩm thực bản địa, đồng thời làm tiền đề ý nghĩa hướng tới Hội nghị quốc tế Food & Society vào tháng 11 sắp tới.
Đặc sắc của chương trình chính là món “Măng rừng xào thịt heo” do sinh viên HUTECH chế biến

Đại diện HUTECH và UEF trao tặng hoa và quà đến các khách mời tham dự
Tham dự workshop có cô Catherine Garland - Giảng viên LFKL; thầy David Matthieu - Giảng viên LFKL; thầy Jean Engel - Giảng viên LFI Duras; TS. Pablo Barriga - Giám đốc Quan hệ Quốc tế Đại học Leipzig (Đức); TS. Eric Jose Olmedo - Giám đốc Viện Quốc tế UEF; cô Nguyên Trinh - Quản lý Viện Quốc tế UEF; ThS. Tăng Thông Nhân - Phó trưởng Khoa Quản trị Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn HUTECH, Quản lý chương trình CYU.
Tin: Hoài Như
Ảnh: Ngọc Duy
TT. Truyền thông