KỸ NĂNG PHỎNG VẤN Thể hiện điểm mạnh & khắc phục điểm yếu

KỸ NĂNG PHỎNG VẤN

Thể hiện điểm mạnh & khắc phục điểm yếu

(Chia sẻ bởi Anh Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Khu vực Miền Nam Công Ty Cổ Phần PropertyGuru Việt Nam): 

KỸ NĂNG PHỎNG VẤN Thể hiện điểm mạnh & khắc phục điểm yếu 10

Đối với các sinh viên sắp hoặc mới tốt nghiệp, kỹ năng phỏng vấn hiệu quả sẽ là một trong những kỹ năng cần thiết nhất để giúp các bạn sinh viên thành công nhận được lời mời làm việc tại các công ty, doanh nghiệp bạn đang ứng tuyển. Qua bài viết này, hãy cùng tìm hiểu về phương pháp trả lời phỏng vấn hiệu quả, cách kể chuyện lôi cuốn và làm thế nào trình bày điểm mạnh điểm yếu của bản thân trong các buổi phỏng vấn một cách tối ưu nhất nhé!

 

Xem thêm Kỹ năng phỏng vấn chuyên nghiệp từ A-Z: tại đây 

 

Mô hình STAR

KỸ NĂNG PHỎNG VẤN Thể hiện điểm mạnh & khắc phục điểm yếu 22

Mô hình STAR là một kỹ thuật phỏng vấn hành vi được sử dụng rộng rãi để đánh giá kỹ năng và kinh nghiệm của ứng viên thông qua các tình huống thực tế mà họ đã trải qua. STAR là viết tắt của:

 

S - Situation (tình huống):

Mô tả ngắn gọn bối cảnh hoặc tình huống: Hãy nêu ra một tình huống cụ thể mà bạn đã đối mặt trong công việc trước đây bao gồm hoàn cảnh và điều kiện xung quanh

 

T - Task (nhiệm vụ): 

Giải thích nhiệm vụ hoặc trách nhiệm cụ thể của bạn trong tình huống bạn vừa nêu trên để giúp nhà tuyển dụng hiểu rõ vai trò của bạn trong câu chuyện

 

A - Action (hành động): 

Mô tả chi tiết các bước bạn đã thực hiện để giải quyết vấn đề và hoàn thành nhiệm vụ. Cần nêu rõ cách bạn đã thực hiện và tại sao bạn chọn các phương pháp giải quyết vấn đề đó

 

R - Result (kết quả): 

Chia sẻ về kết quả cuối cùng của những hành động bạn đã thực hiện. Có thể bao gồm những bài học bạn có được, kinh nghiệm bạn đúc kết ra. Nếu có số liệu cụ thể hãy cố gắng đưa vào để làm rõ kết quả bạn đạt được

 

Mô hình STAR sẽ giúp ứng viên có thể trình bày câu trả lời một cách có hệ thống, rõ ràng và đáng tin cậy. Qua đó nhà tuyển dụng có thể dễ dàng đánh giá được khả năng xử lý tình huống, đưa ra quyết định và các kỹ năng khác của ứng viên thông qua tình huống thực tế mà chính các ứng viên đã trải qua. 

 

Story-telling

Phương pháp kể chuyện theo mô hình 4W1H1R

  • Where (ở đâu): Câu chuyện diễn ra ở đâu? Mô tả bối cảnh, địa điểm nơi câu chuyện diễn ra

  • When (khi nào): Câu chuyện diễn ra khi nào? Xác định các mốc thời gian diễn ra các sự kiện có trong câu chuyện (có thể là ngày, giờ, hoặc một khoảng thời gian cụ thể)

  • Who (ai): Có những nhân vật nào tham gia trong câu chuyện? Ai là nhân vật chính? Các nhân vật trong câu chuyện có vai trò như thế nào? 

  • What (cái gì): Điều gì đã diễn ra với các nhân vật trong câu chuyện? Họ đã gặp vấn đề, thách thức nào? Mô tả sự kiện chính trong câu chuyện

  • How (như thế nào): Sự kiện trong câu chuyện đã diễn ra như thế nào? Kể về quá trình các sự kiện diễn ra, cách những nhân vật trong câu chuyện xử lý vấn đề

  • Result (kết quả): Cuối cùng câu chuyện kết thúc ra sao? Bạn đã học được điều gì? Rút được những kinh nghiệm, bài học gì? Hành động tiếp theo của bạn là gì? Nếu trong tương lai gặp phải vấn đề tương tự bạn sẽ xử lý như thế nào?

Trong quá trình phỏng vấn, nếu bạn kể chuyện theo phương pháp trên sẽ giúp câu chuyện của bạn mạch lạc, có tính logic. Đồng thời còn giúp người nghe dễ hiểu và đánh giá được khả năng giao tiếp, trình bày, dẫn dắt một cách hiệu quả. 

KỸ NĂNG PHỎNG VẤN Thể hiện điểm mạnh & khắc phục điểm yếu 76

Cách trình bày điểm mạnh

 

Để có thể trình bày và làm nổi bật điểm mạnh cũng như khả năng của bản thân, trước hết ứng viên cần phải xác định, hiểu rõ được điểm mạnh của mình như: kỹ năng quản lý nhân sự, quản lý thời gian, kỹ năng sáng tạo, có thể chịu áp lực cao, kỹ năng quản lý dự án, lập kế hoạch,...

 

Sau khi đã trình bày về điểm mạnh của bản thân, ứng viên cần đưa ra một ví dụ cụ thể có thể thể hiện được rõ điểm mạnh trên đã giúp như thế nào trong việc hoàn thành các công việc đảm nhận trước đây. Các tình huống, ví dụ này nên có liên quan đến vị trí ứng tuyển. Ví dụ: Điểm mạnh là xử lý vấn đề qua điện thoại -> ứng tuyển cho vị trí telesale. 

 

Từ điểm mạnh và những tình huống đã nêu hãy rút ra kết luận về những điều có thể đạt được nếu ứng dụng vào trong công việc, nhiệm vụ ở vị trí mới

 

Ví dụ: Một trong những điểm mạnh lớn nhất của tôi là khả năng quản lý thời gian. Ở vị trí trước, tôi đã quản lý một dự án phức tạp với thời hạn chặt chẽ và đã hoàn thành trước thời hạn một tuần nhờ vào việc lập kế hoạch chi tiết và phân chia công việc hợp lý. Tôi tin rằng kỹ năng này sẽ giúp tôi hiệu quả trong việc quản lý dự án tại công ty của bạn

 

Nếu bạn vẫn còn băn khoăn, loay hoay trong việc xác định điểm yếu của bản thân hay chưa biết mình phù hợp với vị trí công việc nào, hãy làm MBTI: Trắc nghiệm tính cách giúp bạn lựa chọn nghề nghiệp: tại đây 

 

Cách trình bày điểm yếu:

Tương tự với điểm mạnh, điểm yếu cũng cần được xác định một cách cụ thể, thành thật và rõ ràng. Đây phải là các điểm yếu thật thay vì ngụ ý cho điểm mạnh của bản thân. Tuy nhiên có thể lựa chọn các điểm yếu không ảnh hưởng quá nhiều hoặc trực tiếp đến công việc bạn đang ứng tuyển và phải thể hiện được rằng điểm yếu đang dần được cải thiện.

 

Khi đã nêu ra điểm yếu của bản thân thì phải đi kèm với cách để khắc phục để chứng minh sự phát triển, khả năng tự nhận thức và nhấn mạnh vào nỗ lực để hoàn thiện bản thân tốt hơn. 

 

Ví dụ: Tôi nhận thấy rằng mình cần cải thiện kỹ năng nói trước công chúng. Để làm được điều đó, tôi đã tham gia một khóa học về kỹ năng thuyết trình và thường xuyên tham gia các buổi họp nhóm để thực hành. Nhờ đó, tôi đã cảm thấy tự tin hơn khi nói trước đám đông và không còn run khi phải trình bày trước nhiều người nữa.

 

Tóm lại, việc nắm vững kỹ năng phỏng vấn và trình bày điểm mạnh, điểm yếu của bản thân là yếu tố then chốt giúp các sinh viên mới ra trường tự tin bước vào thị trường lao động. Áp dụng mô hình STAR và phương pháp kể chuyện 4W1H1R không chỉ giúp bạn xây dựng câu trả lời một cách rõ ràng, logic mà còn tạo ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng. Hãy luôn trung thực, cụ thể và thể hiện tinh thần học hỏi, cải thiện bản thân qua mỗi câu chuyện và ví dụ. Bằng cách này, bạn sẽ tăng khả năng thuyết phục nhà tuyển dụng và giành được cơ hội việc làm mơ ước. Chúc các bạn thành công trên con đường sự nghiệp của mình!


 
14617787
×