Ngày 28/5, Khoa Nhật Bản học Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về việc nâng cao phương pháp giảng dạy kỹ năng sử dụng ngôn ngữ”, nhằm tạo cơ hội để các giảng viên tìm hiểu và đưa ra các phương pháp giảng dạy tối ưu giúp sinh viên học tập tốt học phần “Dẫn luận ngôn ngữ”.
Hội thảo mang đến không gian giao lưu, thảo luận nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho giảng viên
Diễn ra tại Saigon Campus, hội thảo có sự tham dự của ThS. Hồ Tố Liên - Trưởng Khoa Nhật Bản học cùng các giảng viên Khoa. Tại đây, các giảng viên lần lượt trình bày các đề tài đã được phân công và chuẩn bị trước đó, sau đó cùng thảo luận và đưa ra các nhận xét, góp ý để hoàn thiện đề tài và phương pháp giảng dạy.
ThS. Hồ Tố Liên - Trưởng Khoa Nhật Bản học tham dự chương trình
Mở đầu hội thảo, cô Phạm Lê Uyên báo cáo đề tài “Ngữ đoạn - Danh ngữ và ngữ tính từ trong tiếng Việt và tiếng Nhật” với 4 phần gồm: phân tích khái niệm, cấu tạo, quan hệ ngữ pháp và phân loại. Không chỉ phân tích các khái niệm dựa trên lý thuyết khô khan, cô còn đưa ra nhiều ví dụ và bài tập thực hành để củng cố bài giảng, giúp sinh viên dễ dàng tiếp thu. Bên cạnh đó, cô Đỗ Thị Xuân cũng đã hỗ trợ thực hành thông qua việc phân tích phần bài tập trong giáo trình, lắng nghe các đề xuất, bổ sung của các giảng viên khác để hoàn thiện đề tài.
Cô Phạm Lê Uyên với đề tài "Ngữ đoạn - Danh ngữ và ngữ tính từ trong tiếng Việt và tiếng Nhật"
Với đề tài “Thành phần chính trong câu tiếng Việt và tiếng Nhật” của báo cáo viên Trần Thị Kiều Oanh, cô đã trình bày cụ thể về cách phân biệt thành phần chính trong câu là thành phần nòng cốt câu bao gồm chủ ngữ và vị ngữ. Song song đó, cô đã giải thích rõ hai khái niệm “chủ ngữ” và “vị ngữ” và đưa ra hàng loạt ví dụ, dẫn chứng để các giảng viên cùng phân tích chuyên sâu, từ đó xác định vị trí, cấu tạo của chủ ngữ nhằm đúc kết bài giảng.
Cô Trần Thị Kiều Oanh với đề tài “Thành phần chính trong câu tiếng Việt và tiếng Nhật”
Báo cáo về đề tài “Tìm hiểu về các dạng thức của câu trong tiếng Việt và tiếng Nhật”, cô Nguyễn Thị Thúy Vi đã trình bày định nghĩa và phân loại câu. Theo đó, định nghĩa câu được hiểu là đơn vị của ngôn ngữ, có chức năng thông báo, có tính trọn vẹn cả ba phương diện: cấu tạo ngữ pháp, nội dung, ngữ điệu. Phân loại câu trong tiếng Việt được chia thành 3 loại: câu đơn, câu phức, câu ghép. Bằng việc áp dụng các ví dụ và bài tập, cô đã phân tích rõ ràng về cấu tạo, vị trí, vai trò, cách dùng của các loại câu trong tiếng Việt.
Cô Nguyễn Thị Thúy Vi với đề tài "Tìm hiểu về các dạng thức của câu trong tiếng Việt và tiếng Nhật"
Sau đó là phần báo cáo của cô Nguyễn Thị Bé với đề tài “Thành phần phụ trong câu tiếng Việt và tiếng Nhật”; cô Trần Thị Ngọc Thúy đề tài “Các phương tiện liên kết câu trong văn bản tiếng Nhật và tiếng Việt” và cô Đỗ Thị Xuân đề tài “Phân tích hiện tượng câu sai, câu mơ hồ trong tiếng Việt và tiếng Nhật”.
Các giảng viên lần lượt báo cáo các đề tài của mình
Buổi hội thảo đem đến nhiều kiến thức bổ ích, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy cho giảng viên Khoa
Sau phần báo cáo, các giảng viên đã thảo luận và định hướng khắc phục các thiếu sót, củng cố và bổ sung ý kiến để lựa chọn ra các phương pháp giảng dạy phù hợp nhất. Việc tổ chức các chuyên đề nghiên cứu giúp nâng cao chất lượng đào tạo của Khoa Nhật Bản học đồng thời tạo nên một nền tảng giáo dục tốt nhất cho các thế hệ sinh viên.
Tin: Hoài Như
Ảnh: Hoàng Nam & Hữu Khoa
TT. Truyền thông