Hướng về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), sinh viên Khoa Nhật Bản học Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã có dịp tham gia Chương trình “Giao lưu kỷ niệm Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025” do Làng Văn hóa Việt - Nhật tổ chức vào ngày 30/3, góp phần nuôi dưỡng lòng tự hào và ý thức gìn giữ bản sắc dân tộc trong mỗi sinh viên.
Sinh viên Nhật Bản học tham gia chương trình kỷ niệm Giỗ Tổ Hùng Vương do Làng Văn hóa Việt - Nhật tổ chức
Tại chương trình, các bạn đã được chiêm ngưỡng các tiết mục nghệ thuật đặc sắc như Quan họ "Khách đến chơi nhà" và điệu múa Yosakoi sôi động từ CLB Yosago, tạo không khí giao lưu văn hóa gần gũi. Tiếp nối là phần giao lưu võ thuật với các màn biểu diễn võ cổ truyền Việt Nam và kiếm đạo Nhật Bản (Kendo), giúp sinh viên cảm nhận tinh thần thượng võ, tính kỷ luật và lòng tự tôn dân tộc. Cùng với đó, chương trình còn mang đến trải nghiệm thú vị qua phần trình diễn trang phục truyền thống - Kimono và Áo dài - tượng trưng cho vẻ đẹp văn hóa và sự giao thoa hài hòa giữa hai nền văn hóa Việt - Nhật.
Tiết mục văn nghệ đặc sắc tạo nên không khí sôi động, ý nghĩa tại chương trình
Ngoài ra, các bạn còn có dịp tham quan không gian tái hiện và lưu giữ văn hóa Nhật Bản tại Làng Văn hóa Việt - Nhật, dưới sự đồng hành và hướng dẫn tận tình của bà Huỳnh Ngọc Vân - Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM, Giám đốc Bảo tàng Áo Dài cùng ThS. Hồ Tố Liên - Ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản TP.HCM, Trưởng Khoa Nhật Bản học HUTECH. Tại đây, các bạn sinh viên được tìm hiểu sâu hơn về kiến trúc, đời sống, tín ngưỡng và nghệ thuật Nhật Bản thông qua các hiện vật, hình ảnh và mô hình trưng bày. Hoạt động này không chỉ mở rộng hiểu biết văn hóa mà còn làm phong phú thêm trải nghiệm học tập thực tiễn cho sinh viên chuyên ngành.


Sinh viên tham quan không gian tái hiện và lưu giữ văn hóa Nhật Bản tại Làng Văn hóa Việt - Nhật
Bên cạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, bạn Dương Chí Vỹ - sinh viên năm 3 Khoa Nhật Bản học đã mang đến phần thuyết trình đầy cảm xúc truyền thuyết về bánh chưng - bánh dày, gắn liền với thời Vua Hùng thứ sáu, đồng thời khai thác chiều sâu văn hóa và giá trị biểu tượng của hai món bánh này. Không chỉ dừng lại ở việc kể lại câu chuyện Lang Liêu - vị hoàng tử nghèo thể hiện lòng hiếu thảo và trí tuệ qua hai loại bánh đơn sơ nhưng giàu ý nghĩa, Chí Vỹ còn đưa người nghe đến với những tầng văn hóa, triết lý và bản sắc dân tộc được gói ghém trong từng chiếc bánh.
Bằng cách đối chiếu giữa hình thức và ý nghĩa - bánh chưng vuông tượng trưng cho đất, bánh dày tròn tượng trưng cho trời, bài thuyết trình khéo léo thể hiện thế giới quan của người Việt từ thuở lập nước. Chí Vỹ cũng làm nổi bật sự hòa quyện giữa ẩm thực, tín ngưỡng và tình cảm gia đình - khi bánh chưng không chỉ là món ăn ngày Tết mà còn là biểu tượng của sự đoàn tụ, ấm áp và tri ân tổ tiên. Đặc biệt, hình ảnh gia đình quây quần bên nồi bánh chưng đêm giao thừa được nhấn mạnh như một lát cắt văn hóa thiêng liêng, kết nối sâu sắc giữa các thế hệ.
Bạn Dương Chí Vỹ đã mang đến phần thuyết trình đầy cảm xúc truyền thuyết về bánh chưng - bánh dày
Không dừng lại ở đó, nam sinh còn phân tích sự hiện diện của bánh chưng - bánh dày trong đời sống hiện đại, cho thấy rằng dù xã hội có đổi thay, những giá trị truyền thống ấy vẫn luôn bền vững, nhắc nhở con người về cội nguồn và lòng biết ơn. Điểm đặc biệt trong phần trình bày là cách Chí Vỹ kết nối tinh thần dân tộc với sự giao lưu văn hóa Việt - Nhật trong bối cảnh sự kiện, thể hiện hình ảnh một người trẻ không chỉ hiểu biết và trân trọng văn hóa dân tộc, mà còn sẵn sàng lan tỏa những giá trị ấy đến bạn bè quốc tế.
Với lối dẫn dắt nhẹ nhàng, nội dung sâu sắc và giàu cảm xúc, phần thuyết trình của Dương Chí Vỹ không chỉ là một bài chia sẻ mà còn là một lời nhắn gửi chân thành về giá trị của truyền thống trong đời sống hiện đại - nơi từng chiếc bánh không chỉ là món ăn, mà còn là ký ức, lòng tri ân và bản sắc dân tộc được lưu giữ qua bao thế hệ.
Chuyến đi đã giúp các bạn sinh viên tích lũy nhiều kiến thức tạo nên nhịp cầu kết nối văn hóa giữa hai quốc gia
Có thể nói, “Chương trình giao lưu kỷ niệm Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2025” không chỉ là một hoạt động kỷ niệm truyền thống mà còn là nhịp cầu kết nối văn hóa, giúp sinh viên hiểu sâu hơn về lịch sử dân tộc, bồi dưỡng tình yêu quê hương và mở rộng tầm nhìn trong xu thế hội nhập toàn cầu. Đồng thời, đây còn là cơ hội quý giá để các bạn vận dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tiễn, nâng cao kỹ năng giao tiếp liên văn hóa, từ đó hình thành tư duy hội nhập, rèn luyện kỹ năng mềm cần thiết cho nghề nghiệp tương lai.
Tin: Mỹ Lam
Ảnh: Hữu Hào
TT. Truyền thông