Danh sách các bài nghiên cứu công bố tại ICAA 2024, phần 2: Các bài viết tiếng Việt

CỘT CỜ THỦ NGỮ TP.HCM – SỰ BIẾN ĐỔI VÀ GIẢI PHÁP TRÙNG TU

Trương Ngọc Quỳnh Châu
Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Email: tnq.chau@hutech.edu.vn
TÓM TẮT
Cột cờ Thủ Ngữ TP.HCM – Mât des signaux (cột tín hiệu) được Pháp xây dựng vào năm 1865 tại khu vực bến Bạch Đằng TP.HCM, đến nay (2023) đã trải qua 158 năm. Có thể nói, công trình ngoài chức năng là cột tín hiệu cho tàu thuyền còn là một điểm nhấn cảnh quan đặc sắc trong lòng người dân Sài Gòn vào cuối thế kỷ XIX. Di tích cột cờ Thủ Ngữ được UBND TP.HCM chỉ đạo trùng tu vào tháng 11-12/2020 và được khánh thành vào tháng 1/2021. Hiện nay, cột cờ cùng với công viên bến Bạch Đằng mang một diện mạo mới mẻ nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng vốn có, trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn của người dân thành phố và khách du lịch. Bài nghiên cứu trình bày về sự biến đổi của cột cờ từ 1865 đến giai đoạn trước khi bảo tồn 2020, cùng với đánh giá một số giải pháp trùng tu được đề xuất nhằm mục đích cung cấp kiến thức lý thuyết và thực tiễn cho giáo dục lịch sử kiến trúc.
Từ khóa: Cột cờ Thủ Ngữ, Mât des signaux, Bến Bạch Đằng, TP.HCM

MIẾU THIÊN HẬU – NÉT ĐẸP VĂN HÓA, MỸ THUẬT CỦA NGƯỜI HOA SÀI GÒN

Trần Thái Ngọc
Khoa Mỹ Thuật Thiết Kế, Trường Đại học Văn Lang
Email: tranngocdesign@gmail.com

TÓM TẮT

Miếu Thiên Hậu hay còn được biết đến là Chùa Bà Chợ Lớn, được xây dựng từ những năm 1760 là một trong những cổ tự của người Hoa lâu đời nhất ở Sài Gòn. Đây không chỉ là không gian tín ngưỡng mà còn là một biểu tượng độc đáo của sự đa dạng và hòa hợp văn hóa trong cộng đồng người Hoa và người Việt. Dựa trên nền tảng mỹ thuật học, phân tích nét đẹp và ý nghĩa của các hoa văn họa tiết được sử dụng trong trang trí, kiến trúc của chùa Bà. Hiểu rõ hơn các giá trị văn hóa, nghệ thuật trong việc duy trì và phát triển đời sống tâm linh, tinh thần của người gốc Hoa nói riêng và người dân Sài Gòn nói chung. Nghiên cứu này góp phần vào việc bảo tồn nét đẹp cổ xưa, thúc đẩy quảng bá giá trị độc đáo của Miếu Bà.
Từ khóa: miếu Bà Thiên Hậu, Tuệ Thành hội quán, tín ngưỡng, văn hóa.

Ý NGHĨA PHÙ ĐIÊU MẶT TIỀN CÔNG TRÌNH KIẾN TRÚC CÔNG CỘNG PHONG CÁCH ĐÔNG DƯƠNG TẠI SÀI GÒN

Nguyen Minh Hieu
Khoa Mỹ thuật và Thiết kế, Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Viện sau Đại học, Trường Đại học Văn Lang, Thành phố Hồ Chí Minh.
Email: hieunguyen.3012nt@gmail.com

TÓM TẮT

Năm 1859, thực dân Pháp đổ bộ và chiếm đóng thành Gia Định, xây dựng Dinh Xã Tây – phiên bản tòa thị chính Paris tại Đông Dương. Kể từ đó các công trình mang hơi hướng Châu Âu được xây dựng, kiến trúc Đông Dương ra đời. Các công trình công cộng sử dụng dạng kết cấu, trang trí hoa văn phù điêu Châu Âu kết hợp với các giải pháp kiến trúc phù hợp với đặc trưng khí hậu Việt Nam vô cùng hài hòa và đặc sắc. Dạng phù điêu phong cách Châu Âu dễ dàng bắt gặp nhất tại mặt tiền của các công trình Bưu điện trung tâm Sài Gòn, Nhà hát TP.HCM, Dinh Xã Tây (Trụ sở UBND TP.HCM), Dinh Phó Thống đốc Nam Kỳ (Viện bảo tàng TP.HCM), Pháp đình Sài Gòn (Tòa án nhân dân TP.HCM). Phù điêu mặt tiền thường có kích thước lớn, điêu khắc những vị thần trong thần thoại Hy Lạp mang ý nghĩa riêng đối với từng công trình kiến trúc. Chính các hình ảnh biểu tượng này đã tạo nên đặc điểm kiến trúc tiêu biểu cho các công trình công cộng phong cách Đông Dương giữa lòng Sài thành.
Từ khóa: điêu khắc phù điêu, kiến trúc đông dương, kiến trúc Châu Âu, phù điêu, phù điêu Hy Lạp,…

QUÁ TRÌNH DU NHẬP CỦA ÂU PHỤC TẠI SÀI GÒN THỜI KỲ PHÁP THUỘC NỬA SAU THẾ KỈ XIX

Huỳnh Thị Kim Xuyến
Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Email: htk.xuyen@hutech.edu.vn)

TÓM TẮT

Thời kỳ Pháp thuộc ở Nam Kỳ bắt đầu từ giữa sau thế kỉ XIX, trong đó Sài Gòn là vùng đất đầu tiên trở thành xứ thuộc địa của đế quốc. Từ khi mất kiểm soát chủ quyền lãnh thổ, đô thành Sài Gòn với những thay đổi toàn diện về thể chế chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa… trở thành một trong những đô thị đầu tiên của cả nước bắt đầu va chạm và dần làm quen với nền văn minh xa lạ của Tây Âu, điển hình là Pháp, cho dù cuộc gặp gỡ diễn ra trong một hoàn cảnh khá bi đát cho xứ Nam Kỳ. Bài viết sau đây tập trung nghiên cứu một trong những khía cạnh văn hóa tại Sài Gòn bị ảnh hưởng trực diện bởi Pháp, đó là văn hóa mặc. Bài viết cũng làm rõ quá trình du nhập của Âu phục tại Sài Gòn giai đoạn giữa sau thế kỉ XIX cùng sự chuyển biến trong văn hóa mặc của người Sài Gòn và sự phát triển của Âu phục tại thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Từ khóa: Âu phục, phương Tây, Pháp thuộc, Sài Gòn, thuộc địa.

XU HƯỚNG TRONG TIẾP BIẾN VĂN HÓA TỪ HƯỚNG TÂY TẠI ĐÔNG DƯƠNG THỜI KỲ TRUNG ĐẠI - NGHIÊN CỨU TRONG KIỂU HÌNH TƯỢNG TRANG TRÍ MÁI

Nguyễn Phan Bảo Long, Nguyễn Văn Tùng, Lê Long Vĩnh, Trình Nguyễn Minh Trang
Khoa Mỹ Thuật & Thiết Kế, Trường Đại học Văn Lang. Khoa Kỹ thuật Cơ - Điện và Máy tính, Trường Đại học Văn Lang.
Email: long.npb@vlu.edu.vn)

TÓM TẮT

Nền văn minh Đông Dương giai đoạn Trung Đại 1009-1407, mà cụ thể là tiểu vùng Bắc Bộ nằm tại điểm giao cắt của hai bán cầu văn hóa lớn mà trong đó yếu tố ảnh hưởng từ Đông Á thường được thể hiện trực tiếp hơn, lấn át những biểu hiện của ảnh hưởng Nam Á du nhập từ hướng Tây và bị đánh đồng hình thức với kiến trúc bản địa. Thành tựu của tôn giáo, mỹ thuật, chất liệu Ấn Độ tuy có mặt sớm hơn tại vùng địa lý Bắc Bộ nhưng lại có di sản tồn tại trong các quy mô tế nhị hơn là một hiện tượng đặc trưng đáng tiến hành khai thác, tìm hiểu. Nghiên cứu này khảo sát 21 phát hiện khảo cổ thuộc 10 di chỉ kiến trúc trên thành phần chi tiết tượng trang trí mái trong giai đoạn lịch sử đã đề ra, nhằm làm rõ đặc điểm hình thức và xu hướng phân bố của chúng trong bối cảnh chuyển dịch văn hóa từ Tây sang Đông. Kết quả từ quá trình tổng hợp dữ liệu cho thấy kiểu hình các tượng trang trí mái theo thời gian có xu hướng tích hợp nguyên mẫu các hình tượng du nhập, đồng thời tạo ra những linh vật lai tạo mới dung nạp về ý nghĩa biểu trưng. Thông tin khảo sát trên theo đó được nhìn nhận dựa theo lý thuyết tương tác văn hóa trong chủ thể kiến trúc nhằm cho thấy hiện tượng Tiếp biến của thành tố Nam Á trong chủ thể nghiên cứu. Từ đó cung cấp cơ sở cho những nghiên cứu tiếp theo về kiến trúc Đại Việt như một sản phẩm của Cộng sinh đa văn hóa.
Từ khóa: Tượng trang trí mái, Tiếp biến văn hóa Đông - Tây, Kiến trúc Đông Dương

NGHIÊN CỨU BẢO TỒN BIỆT THỰ PHÁP CỔ TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ LẠT VÀ ỨNG DỤNG TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Hoàng Hải Yến1*
Khoa Kiến trúc- Mỹ thuật, Trường Đại học Công Nghệ TP. Hồ Chí Minh (HUTECH)
475A Điện Biên Phủ, P.25, Q. Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh
Email: hh.yen84@hutech.edu.vn

TÓM TẮT

Với lịch sử lâu đời đã từng có thời gian là thuộc địa của Pháp, trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện nay còn tồn tại rất nhiều các biệt thự Pháp cổ, đặc biệt là tại các thành phố có cảnh quan thiên nhiên đẹp như Đà Lạt. Việc bảo tồn biệt thự Pháp cổ tại thành phố Đà Lạt, Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ di sản văn hoá và thúc đẩy phát triển du lịch của khu vực này. Những biệt thự này không chỉ là các di tích lịch sử quý báu mà còn thể hiện sự hòa quyện giữa nét kiến trúc Pháp và vẻ đẹp thiên nhiên tại Đà Lạt. Từng được xây dựng vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, những biệt thự này thể hiện nét vượt thời gian với kiến trúc tinh tế, vườn hoa lãng mạn và vị trí đắc địa. Bảo tồn chúng giúp du khách hiểu hơn về lịch sử và văn hóa Đà Lạt, cũng như thấy thú vị khi tham quan các di tích lịch sử này. Ngoài ra, việc phát triển du lịch thông qua bảo tồn biệt thự Pháp cổ còn tạo cơ hội kinh doanh và việc làm cho địa phương. Các biệt thự có thể được chuyển đổi thành những khách sạn, khu nghỉ dưỡng hoặc quán cà phê mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng địa phương. Điều này thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực du lịch ở Đà Lạt. Tóm lại, bảo tồn biệt thự Pháp cổ không chỉ giúp bảo vệ di sản văn hóa mà còn hỗ trợ phát triển du lịch bền vững tại Đà Lạt, thúc đẩy kinh tế địa phương và tạo trải nghiệm thú vị cho du khách. Bài báo nghiên cứu về các giải pháp bảo tồn biệt thự Pháp cổ tại thành phố Đà Lạt và ứng dụng thực tế tại khu nghỉ dưỡng Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa.
Từ khóa: Bảo tồn, biệt thự Pháp cổ, phát triển du lịch, Đà Lạt, Việt Nam

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ LAM CÔNG TRÌNH TRƯỜNG ĐẠI HỌC Y KHOA SÀI GÒN (1954 – 1975), KẾ THỪA TINH THẦN SÁNG TẠO TỪ TRUYỀN THỐNG

Lê Long Vĩnh (1) Đỗ Minh Khánh (2)
(1):Trường Đại học Văn Lang (email: vinh.ll@vlu.edu.vn;
(2): Trường Đại học Văn Lang

Tóm tắt

Lam (Brise – Soleil) là bộ phận cấu thành nên hệ bao che cho mặt đứng kiến trúc, có chức năng hạn chế nắng chiếu vào, làm giảm bức xạ nhiệt mặt trời. Lam còn có chức năng thông gió hoặc bẫy gió hiệu quả giúp làm giảm nhiệt độ nóng đối với kiến trúc vùng khí hậu nhiệt đới, nên còn gọi là cấu trúc vỏ kép. Lam trang trí trên công trình kiến trúc trường Đại học Y khoa Sài Gòn có giá trị rất đặc biệt, bởi kế thừa tinh thần sáng tạo từ truyền thống đan cài trên những hình học vuông vức khối hiện đại, nhưng tạo nên sự phóng khoáng, và hài hòa với môi trường và cảnh quan. Hoa văn hình học trang trí lam có thể kiến giải hướng phát huy vào kiến trúc đương đại. Từ khóa: Nghệ thuật trang trí, lam công trình, hoa văn, trang trí lam.

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ MANG TÍNH BIỂU TƯỢNG TRONG KIẾN TRÚC BẢO TÀNG LỊCH SỬ VIỆT NAM TẠI TP. HỒ CHÍ MINH

Nguyễn Thanh Tân
Khoa Kiến trúc – Mỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh.
Email: nt.tan@hutech.edu.vn).

TÓM TẮT

Qua phân tích các thành phần chi tiết nội thất mặt tiền, bài viết đã chỉ ra tính biểu tượng của phương Đông, đặc biệt là các chi tiết bát bửu, chữ tượng hình - chữ Nam (), biểu tượng của hình ảnh (chim phượng hoàng),... được khai thác dưới nhiều hình thức khác nhau trong nghệ thuật trang trí của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, có tên gọi đầu tiên là Bảo tàng Nam Kỳ.
Từ khóa: tính biểu tượng, văn hóa Đông – Tây, viện bảo tàng

 
14622608
×