Vừa qua (24/9), Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tham dự “Diễn đàn Hợp tác Dệt May Việt Nam - Đài Loan” lần VI. Diễn đàn được Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Liên đoàn Dệt May Đài Loan (TTF) phối hợp tổ chức nhằm tăng cường hợp tác, thúc đẩy giao thương giữa hai bên.
“Diễn đàn Hợp tác Dệt May Việt Nam - Đài Loan” lần VI được tổ chức trực tuyến
Sự kiện có sự tham dự của ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương Việt Nam, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ông Yang Chih Ching - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Kinh tế Đài Loan, ông Chan Cheng Tien - Phó Chủ tịch Tổng hội Công nghiệp Đài Loan (CNF), bà Huang Zhuang Fang Rong - Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Phát triển ngành Dệt May Trung Quốc và nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam và Đài Loan.Đại diện Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật HUTECH có TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên - Trưởng Khoa, ThS. Trần Thị Hồng Mỹ - Phó Trưởng Khoa, ThS. Phạm Thị Hồng Liên - Trường ngành Thiết kế thời trang và các giảng viên ngành Thiết kế thời trang và Công nghệ dệt, may.
Lãnh đạo, đại diện đến từ các doanh nghiệp, đơn vị thuộc lĩnh vực dệt may của Việt Nam và Đài Loan
Với nhóm ngành dệt may, hai chủ đề được thảo luận là “Quy trình sản xuất xanh - Nguyên liệu dệt may và Kỹ thuật bảo vệ môi trường” và “Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và Hoạt động thực tế của Ngành dệt may tại Việt Nam”. Các nội dung trình bày xoay quanh các vấn đề như sự đổi mới về công nghệ và vải chức năng mới trong ngành dệt, tình hình dệt may tại Việt Nam trước và sau dịch Covid-19, triển vọng của nguyên liệu sinh khối (gồm những nguyên liệu là sản phẩm tái chế, chất thải thực phẩm, chất thải nông nghiệp),... Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 là hình thành các trung tâm sản xuất vải, các xưởng sản xuất nguyên phụ liệu; theo đó, nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực dệt, nhuộm cũng sẽ được quan tâm xúc tiến để bắt kịp với nhu cầu thế giới. Đài Loan cũng sẽ có thêm các nhà đầu tư vào Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hợp tác ngành nghề giữa hai bên.
Hai chủ đề thảo luận là “Quy trình sản xuất xanh - Nguyên liệu dệt may và Kỹ thuật bảo vệ môi trường” và “Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và Hoạt động thực tế của Ngành dệt may tại Việt Nam”
Việc tham gia các diễn đàn hợp tác nghề nghiệp, kịp thời cập nhật xu thế phát triển của nhóm ngành Dệt may chính là cơ sở quan trọng để Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật HUTECH tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo các ngành Thiết kế thời trang và Công nghệ dệt, may, qua đó mở rộng cơ hội học tập đáp ứng nhu cầu thực tế cũng như cơ hội thực tập, làm việc cho sinh viên nhóm ngành này tại HUTECH.
Tin: Ngọc Anh
Ảnh: Tổ Media
Phòng Truyền thông