Anh Hoàng Lê Minh Dũng - Tâm lý gia Tâm lý học lâm sàng Đại học Melbourne (Úc) đã mang đến cho sinh viên ngành Tâm lý học Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) nhiều kiến thức thú vị về nhận diện nguy cơ tự tử và quy trình can thiệp tự tử dành cho nhà Tâm lý lâm sàng trong buổi talkshow ngày 11/10 vừa qua.
Diễn giả đã chia sẻ nhiều vấn đề về hành vi tự tử ở người và quy trình can thiệp để loại bỏ chúng
Tại talkshow, anh Hoàng Lê Minh Dũng đã chia sẻ nhiều vấn đề nghiên cứu về hành vi tự tử ở người và quy trình can thiệp để loại bỏ chúng. Một số vấn đề như đo lường tâm lý thân chủ, đánh giá rủi ro, nhận diện các hành vi nguy cơ (hành vi tự làm hại, hành vi gây thương tích không tự sát, hành vi tự sát,…), tiếp cận rủi ro, can thiệp khủng hoảng và phát triển kế hoạch an toàn cho thân chủ đã được diễn giả chia sẻ như một quy trình chuẩn, để sinh viên có thể tham khảo và đưa vào liệu trình điều trị của mình trong tương lai.
Diễn ra dưới hình thức trực tuyến, talkshow thu hút đông đảo sinh viên tham gia
Nhận diện nguy cơ tự tử và quy trình can thiệp tự tử là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự thấu hiểu sâu sắc về tâm lý của thân chủ và những rủi ro liên quan. Đầu tiên, việc đo lường tâm lý của thân chủ là rất quan trọng, thông qua các bài đánh giá tâm lý hoặc phỏng vấn lâm sàng để nhận diện các triệu chứng trầm cảm, lo âu, tuyệt vọng hoặc các bệnh lý tâm thần khác. Đánh giá rủi ro bao gồm việc xem xét các yếu tố nguy cơ như tiền sử tự tử, các sang chấn tinh thần, mất mát cá nhân, hoặc sự cô lập xã hội. Ngoài ra, các hành vi nguy cơ như hành vi tự làm hại (cắt, đốt, làm đau cơ thể mà không có ý định tự sát), hành vi gây thương tích không tự sát (ví dụ, tham gia các hoạt động có rủi ro cao) và hành vi tự sát (lên kế hoạch hoặc cố gắng tự sát) cần được theo dõi sát sao.
Một số nội dung chia sẻ chính tại talkshow
Trong quy trình tiếp cận rủi ro, chuyên gia tâm lý hoặc nhân viên xã hội sẽ làm việc cùng thân chủ để hiểu rõ những suy nghĩ và cảm xúc dẫn đến hành vi tự sát. Khi thân chủ có biểu hiện khủng hoảng, cần triển khai can thiệp khủng hoảng ngay lập tức, bằng cách cung cấp hỗ trợ tâm lý cấp thiết, đảm bảo sự an toàn và ổn định tâm lý của thân chủ. Phát triển kế hoạch an toàn là bước cuối cùng, trong đó thân chủ và chuyên gia sẽ cùng lập ra một chiến lược dài hạn nhằm kiểm soát các yếu tố nguy cơ, tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình và xã hội, và duy trì điều trị tâm lý dài hạn.
Talkshow còn giúp các bạn có cái nhìn cận cảnh hơn về nghiên cứu khoa học hàn lâm
Những thông tin từ anh Hoàng Lê Minh Dũng đã đem đến cho sinh viên Tâm lý học một cách nhìn sâu sắc hơn về nguy cơ và cách phòng chống tự tử, từ đó có thể áp dụng cho việc trị liệu bệnh nhân trong tương lai. Đồng thời, talkshow còn giúp các bạn có cái nhìn cận cảnh hơn về những tài liệu nghiên cứu chuyên ngành cùng cách thức nghiên cứu khoa học hàn lâm, để sinh viên có thể tìm đọc tài liệu và tự mình thực hiện đề tài nghiên cứu mà mình hứng thú trong khuôn khổ Nhà trường và các cấp khu vực.
Tin: Bảo Thư
Ảnh: Khoa KHXH và QHCC
TT. Truyền thông