Cùng với việc có mặt trên tuyến đầu hay tham gia đội ngũ tình nguyện viên tại các địa phương, dấu ấn nhiệt huyết của sinh viên Khoa Dược, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) trong giai đoạn dịch Covid-19 phức tạp hiện nay còn đến từ những thành viên trong mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” hỗ trợ công tác chống dịch.
Mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” là chương trình được điều phối bởi Tổ thông tin đáp ứng nhanh (thường trực là Bộ Khoa học và công nghệ) và Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, nhằm kịp thời hỗ trợ cho các gia đình có nhu cầu y tế, đặc biệt là các trường hợp F0 điều trị tại nhà. Nhiều sinh viên Khoa Dược HUTECH đã chọn trở thành một thành viên của mạng lưới hỗ trợ ý nghĩa này, cùng cộng đồng vượt qua dịch bệnh.
Từ người bạn tiên phong, mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” có tên sinh viên HUTECH
Một trong những người bạn đầu tiên tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” tại HUTECH là bạn Trần Thiện Quyền (16DDUD4) - Ủy viên Ban Chấp hành Đoàn - Liên chi Hội, thành viên CLB Công tác xã hội của Khoa Dược HUTECH. Thiện Quyền cho biết: “Mình biết đến chương trình qua bài đăng của một đàn anh Dược sĩ. Ban đầu cũng do dự lắm, vì công việc này đòi hỏi kiến thức chuyên môn, kỹ năng tư vấn nữa. Nhưng thấy tình hình TP.HCM diễn tiến phức tạp, nhiều F0 đang điều trị tại nhà rất cần được hỗ trợ y tế, thăm hỏi động viên... mình đã quyết định đăng ký và đồng hành cùng họ trong “trận chiến” này, cũng là một cách để “chia lửa” với các y bác sĩ tuyến đầu!”
Thiện Quyền và "chiếc" ảnh đại diện tiên phong, bên góc làm việc của một "thầy thuốc đồng hành"
Là một sinh viên tích cực của Khoa Dược HUTECH với mạng lưới bạn bè, “đàn em” đông đảo nên khi Thiện Quyền cập nhật ảnh đại diện trên trang cá nhân bằng khung ảnh của mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, đã có thêm nhiều sinh viên Khoa Dược HUTECH đã biết tới hoạt động ý nghĩa này và cùng nhau ghi danh.
Là thành viên trong đợt tuyển quân thứ 3 của chương trình, bạn Nguyễn Ngọc Thanh Huyền (16DDUC1) khi nhận thấy phần mềm còn khá mới, liên hệ tư vấn đôi khi gặp những “ca khó”,... đã cùng bạn bè thành lập một nhóm giữa các thành viên để hỗ trợ lẫn nhau về kiến thức chuyên môn, giải quyết tình huống khó, nâng cao hiệu quả tư vấn cho người bệnh.
Thanh Huyền chia sẻ: “Hiện tại mình đã về quê, nhưng thấy tình hình ca nhiễm tại TP.HCM tăng nhiều, nhìn bạn bè xung phong tham gia tình nguyện, cảm thấy bản thân chưa làm được gì nhiều nên cứ băn khoăn. Nên khi biết đến mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành” thì mình đăng ký ngay. Khi bắt đầu “thực chiến”, lúng túng do vận hành đặc biệt của phần mềm nên mình cùng các bạn đã tạo một nhóm để dễ dàng kết nối với nhau, giúp các bạn đăng ký đợt sau không còn lúng túng như mình và mỗi người bệnh đều được giúp đỡ kịp thời, hiệu quả!”.
Thanh Huyền - một trong những thành viên lập nhóm trao đổi, chia sẻ các kinh nghiệm tư vấn giữa các sinh viên Khoa Dược HUTECH với nhau
Theo cách đó, nhiệt huyết lan tỏa đến nhiều sinh viên Khoa Dược HUTECH, để ngày càng có nhiều thầy thuốc trẻ từ HUTECH tham gia mạng lưới, và mỗi thành viên đều có thêm một nguồn động lực trước những cuộc gọi đêm ngày.
Không chỉ hỗ trợ y tế, đó còn là nguồn năng lượng tích cực!
Từ khi tham gia mạng lưới “Thầy thuốc đồng hành”, bạn Nguyễn Ngọc Vân Phương (16DDUA2) luôn là một tình nguyện viên tích cực, tiếp nhận rất nhiều cuộc gọi hàng ngày. Vân Phương chia sẻ: “Có lần mình tư vấn cho một bác đã lớn tuổi, mình hỏi bác đang dùng những thuốc gì, nhưng bác lớn tuổi nên không đọc được tên. Thế là cả hai bác cháu cùng nhau đánh vần tên thuốc cả buổi, cuối cùng, bác cũng đọc được tên thuốc chuẩn luôn!” Cũng có không ít những cuộc gọi căng thẳng từ các F0, những lo lắng của gia đình có người thân mắc bệnh,... và người thầy thuốc đồng hành như Phương không chỉ hướng dẫn sử dụng thuốc mà còn đảm nhận cả vai trò của một chỗ dựa tinh thần vững chãi.
Vân Phương luôn ấn tượng và nhớ về những kỷ niệm vui khi tham gia "Thầy thuốc đồng hành"
Còn với bạn Nguyễn Vũ Tường Vy (16DDUA2), động lực đến với chương trình thật đặc biệt. Gia đình bạn chính là những bệnh nhân F0, và sự hỗ trợ nhiệt tình từ các thầy thuốc đồng hành đã giúp gia đình được tiếp thêm năng lượng lúc khó khăn. Vy kể: “Cảm giác trong giây phút ấy có nhiều người hỏi thăm và giúp đỡ, hóa ra trên hành trình này bản thân không cô độc. Nên mình cũng muốn truyền nguồn năng lượng tích cực đến các bệnh nhân F0”. Mỗi cuộc gọi nhận được với Vy là một dịp bạn gửi lời cảm ơn của mình đến các “thầy thuốc đồng hành” đi trước, lan tỏa nguồn năng lực tích cực để mọi người cùng nhau vượt qua thời điểm khó khăn này.
Tường Vy tham gia chương trình với một động lực đặc biệt và một nguồn năng lượng tích cực tràn đầy
Đinh Anh Thư (18DDUB4) lại có những kỷ niệm “học tiếng địa phương” thú vị cùng bệnh nhân mọi miền đất nước. “Có nhiều lần, mình nhận những cuộc điện thoại từ các cô chú, anh chị ở nhiều vùng miền khác, thấy mình lúng túng vì không hiểu, mọi người đều kiên nhẫn nói chậm lại, lặp đi lặp lại cho mình hiểu dù chính mọi người cũng đang rất cần sự hỗ trợ. Có khi sau những cuộc tư vấn, mọi người còn động viên ngược lại cho mình, làm mình thấy vui và ấm áp lắm!”. Và bởi còn khá nhỏ tuổi, hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn nên Thư luôn phải dành nhiều thời gian tự học hỏi, tìm hiểu kiến thức để có thể hỗ trợ bệnh nhân hiệu quả. “Dù không thể trực tiếp góp sức cùng tuyến đầu, nhưng mình nghĩ chút hoạt động này của mình cũng đỡ đần phần nào cho lực lượng y tế”, bạn cho biết.
Góc làm việc, tư vấn của Anh Thư nhằm mang đến những tư vấn, hỗ trợ kịp thời nhất cho các bệnh nhân
Đoàn Thị Diễm My - 16DDUD4 | Lê Thị Mỹ Linh - 16DDUD5 | Lê Thị Thùy Quyên - 17DDUB2 | Lê Tuyết Giang - 16DDUD5 |
Nguyễn Thị Minh Ngọc - 16DDUD5 | Phạm Đào Kim Ngọc - 16DDUD5 | Phạm Khánh Linh - 16DDUD4 | Trần Thị Ngọc Lan - 16DDUD5 |