HUTECH's Portrait - Sinh viên Công nghệ thông tin HUTECH khởi nghiệp cùng ngón tay robot
[HUTECH's Portrait] - Kỳ 4Tại sự kiện Thanh niên khởi nghiệp Việt - Hàn 2017 (thuộc Lễ hội văn hóa Thế giới TP.HCM - Gyeongju), các nhóm sinh viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) xuất sắc giành hai giải thưởng cao nhất. Trong đó, giải Nhất thuộc về nhóm sinh viên Huỳnh Vũ Hoài Nhân và Nguyễn Đức Toàn (khoa Công nghệ thông tin) với dự án MicroPush do PGS.TS. Võ Đình Bảy và ThS. Dương Thành Phết hướng dẫn.
Hoài Nhân, Đức Toàn cùng ThS. Dương Thành Phết - GVHD và TS. Nguyễn Hà Giang - Phó Trưởng khoa CNTT
Được đánh giá cao nhờ khả năng nắm bắt xu thế công nghệ toàn cầu, MicroPush là ứng dụng cho phép sử dụng ngón tay robot để điều khiển từ xa các loại máy móc thiết bị, thông qua đơn vị điều khiển điện tử (Electrical Control Unit) và mạng Wifi. Ý tưởng đặc biệt hiệu quả khi áp dụng ở quy mô công nghiệp, trong các hệ thống máy móc và dây chuyền sản xuất của các nhà máy. Ngoài ra, chiến lược marketing toàn diện thông qua việc tổ chức workshop, xây dựng website bán hàng, gặp gỡ trực tiếp khách hàng tiềm năng... của nhóm cũng gây ấn tượng mạnh với Ban giám khảo, giúp MicroPush vượt qua gần 20 ý tưởng khởi nghiệp đến từ Đại học RMIT (Việt Nam) và Đại học Dongyang (Hàn Quốc) để giành giải thưởng cao nhất một cách thuyết phục.
MicroPush xuất sắc giành giải cao nhất tại Lễ hội Thanh niên khởi nghiệp Việt - Hàn 2017
Chia sẻ về “đứa con” MicroPush, trưởng nhóm Huỳnh Vũ Hoài Nhân cho biết: “Ý tưởng ra đời khi em tham dự các hội thảo, hội nghị về Công nghiệp 4.0 và em đã quyết định liên hệ một số doanh nghiệp sản xuất ở khu công nghiệp Tân Bình. May mắn em được tham quan một nhà máy sản xuất điện lạnh gia đình, họ cần một giải pháp để tối ưu hóa quy trình và giảm chi phí sản xuất. Nhóm em bắt đầu hình thành ý tưởng, đưa ra giải pháp giải quyết bài toán chung của các doanh nghiệp Việt Nam.”
Khởi nghiệp với công nghệ thông tin không phải là một hướng đi hoàn toàn mới mẻ, tuy nhiên Hoài Nhân cho rằng việc trùng ý tưởng là điều có thể xảy ra, quan trọng nhất vẫn là cách giải quyết vấn đề có hiệu quả, có làm tốt hơn người khác đã làm hay không. Bên cạnh đó, các sản phẩm thông minh để ứng dụng vào quy trình sản xuất còn khá ít, chủ yếu là các sản phẩm thông minh hỗ trợ cho người dùng cá nhân. Đây cũng là một lý do để nhóm bạn tự tin phát triển ý tưởng của mình.
Đức Toàn (áo trắng) và Hoài Nhân với thành tích của mình
“Hiện thực hóa” MicroPush là một hành trình không hề dễ dàng. Đầu tiên, đó là vấn đề công nghệ - mỗi doanh nghiệp có cách vận hành sản xuất khác nhau nên rất khó đưa ra một giải pháp chung cho nhiều doanh nghiệp. Thứ hai, việc thu thập thông tin xử lý để thay thế con người vận hành máy móc đòi hỏi nhiều kiến thức sâu về xử lý thông tin. Ngoài ra, nhóm chọn sử dụng nền tảng đám mây (Cloud Service) nên trường hợp gặp vấn đề về Internet thì hướng giải quyết tạm thời cũng là một bài toán khó. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ các giảng viên, sự ủng hộ từ phía doanh nghiệp và cả những động viên từ người thân, bạn bè, hai chàng trai đã bước đầu thành công với MicroPush.
Huỳnh Vũ Hoài Nhân hiện là Giám đốc điều hành một startup công nghệ
Hiện tại, Đức Toàn là sinh viên còn Hoài Nhân vừa tốt nghiệp và hiện đang là Giám đốc điều hành một startup do bạn và bạn bè đồng sáng lập với 04 cơ sở tại Hồ Chí Minh và Hà Nội. Chàng trai đam mê khởi nghiệp chia sẻ: “Kiến thức trường là nền tảng giúp em mở rộng và tiếp thu các kiến thức khác dễ dàng và nhanh chóng hơn. Nên em cũng mong cách bạn sinh viên có thể thấy được tầm quan trọng của các môn học ở trường vì khi ra làm thì sẽ không ai dạy lại những kiến thức đó.” Hài hước kể về những khó khăn khi khởi nghiệp, khi phải ngủ lại công ty cả tuần làm dự án... nhưng Hoài Nhân vẫn khẳng định, khởi nghiệp luôn là một điều hấp dẫn và đam mê của e, dù khởi nghiệp không hào nhoáng như nhiều người tưởng.
Với giải Nhất tại Lễ hội Khởi nghiệp thanh niên, Đức Toàn sẽ có chuyến tham quan học tập tại Hàn Quốc vào đầu tháng 12 này, còn Hoài Nhân vẫn tiếp tục chuỗi ngày bận rộn Hà Nội - TP.HCM cùng startup của mình. Đồng thời, hai bạn cũng bắt đầu kêu gọi đầu tư cho MicroPush. Không chỉ dừng lại ở một cuộc thi, MicroPush sẽ đi vào thực tế, để thêm một startup thành công, thêm một câu chuyện khởi nghiệp đầy cảm hứng cho sinh viên HUTECH.HUTECH tham gia sự kiện Lễ hội Thanh niên khởi nghiệp Việt - Hàn với 07 dự án trên nhiều lĩnh vực khoa học công nghệ như sản xuất - kinh doanh thực phẩm chế biến, chế phẩm sinh học, ứng dụng hỗ trợ sản xuất và chăm sóc sức khỏe..., đến từ Viện Kỹ thuật HUTECH, Viện Khoa học Ứng dụng HUTECH và khoa Công nghệ thông tin. Cùng với giải Nhất thuộc về MicroPush, sinh viên HUTECH còn giành thêm giải Nhì với dự án Nghiên cứu ứng dụng công nghệ in 3D hỗ trợ cho người khuyết tật và phục hồi chức năng trong chấn thương chỉnh hình của nhóm Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đức Chuyền, Lê Nhật Sơn và Nguyễn Bá Phi (Viện Kỹ thuật HUTECH), do ThS. Phạm Bá Khiển hướng dẫn. |
Phòng Tư vấn Tuyển sinh - Truyền thông
Các bài viết cùng chuyên mục: