Ngày 08/01, Khoa Nhật Bản học Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức Hội thảo “Nghiên cứu về việc cải thiện phương pháp giảng dạy từ khía cạnh áp dụng phương pháp học tập chủ động” nhằm tạo cơ hội để thầy cô giảng viên thảo luận và đề xuất các phương pháp nâng cao trải nghiệm học tập cho sinh viên.
Hội thảo mang đến không gian giao lưu, thảo luận nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy
Phát biểu mở đầu, ThS. Hồ Tố Liên - Trưởng Khoa Nhật Bản học cho biết hội thảo đã nhận được nhiều tham luận, hầu hết các nghiên cứu đều liên quan đến “Active Learning - Học tập chủ động”. Mỗi giảng viên sẽ lần lượt trình bày trực tiếp các đề tài của mình và các thầy cô sẽ thảo luận, đề xuất các phương pháp giảng dạy phù hợp.
ThS. Hồ Tố Liên kỳ vọng hội thảo sẽ mang đến nhiều thông tin hữu ích cho các giảng viên Khoa
Với đề tài “Đề xuất phương pháp giảng dạy bảng chữ cái tiếng Nhật dưới góc độ học tập chủ động”, cô Hồ Thị Kim Anh đã trình bày cụ thể các vấn đề liên quan đến cơ sở lý luận và thực tiễn, một số nghiên cứu về việc giảng dạy bảng chữ cái và cuối cùng là đề xuất phương pháp dạy bảng chữ cái. Cùng với đó, cô đưa ra các phương pháp như: thực hành ghi nhớ bằng cách sử dụng kẽm nhung uốn thành chữ cái, tái chế bằng các hạt nhựa, sử dụng hạt đậu xếp chữ - vốn rất hữu dụng cho sinh viên, đặc biệt sinh viên năm nhất mới tập làm quen với tiếng Nhật dễ dàng tiếp thu ngôn ngữ hơn.
Nhiều phương pháp học tập bảng chữ cái tiếng Nhật hiệu quả được cô Hồ Thị Kim Anh chia sẻ tại chương trình
Các giảng viên Khoa Nhật Bản học thực hành ứng dụng phương pháp ghi nhớ bảng chữ cái tiếng Nhật bằng hạt xốp
Cô Phạm Lê Uyên mang đến nghiên cứu về “Áp dụng học tập chủ động vào hoạt động dạy học Ngữ pháp cơ bản tiếng Nhật 1”. Theo đó, một số kiến nghị trong dạy và học Ngữ pháp tiếng Nhật được cô Lê Uyên trình bày gồm: Nhập vai và đối thoại, trò chơi ngữ pháp, sử dụng công nghệ, phản ứng vật lý tổng thể, phản hồi và suy ngẫm. Theo cô Lê Uyên, giảng viên cũng cần phát huy vai trò chủ động, rèn luyện tư duy bậc cao để có đánh giá phù hợp với kết quả học tập của sinh viên.
Cô Phạm Lê Uyên đưa ra một số kiến nghị để dạy và học ngữ pháp tiếng Nhật hiệu quả
Tham luận về “Áp dụng phương pháp học chủ động trong dạy và học tiếng Nhật nghe nói sơ cấp” của cô Trần Thị Kiều Oanh chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong năng lực giao tiếp tiếng Nhật, những ưu nhược điểm của phương pháp học tập chủ động. Cô cũng đặt vấn đề về cách ứng dụng phương pháp học chủ động trong học phần nghe nói và đánh giá để đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Nguyên nhân dẫn đến hạn chế trong năng lực giao tiếp tiếng Nhật được cô Trần Thị Kiều Oanh trình bày tại hội thảo
Cô Nguyễn Thị Thúy Vi khép lại phần báo cáo với đề tài “Vận dụng phương pháp học tập chủ động vào học phần Đọc hiểu tiếng Nhật”. Đề tài này dựa trên việc phân tích các cơ sở lý thuyết để đề xuất các phương pháp đọc hiểu hiệu quả.
Hội thảo còn đề ra phương pháp đọc hiểu tiếng Nhật hiệu quả
Tin rằng, sau hội thảo, các giảng viên Khoa đã cập nhật thêm kiến thức, kinh nghiệm để giảng dạy tiếng Nhật hiệu quả
Sau phần trình bày các tham luận, các thầy cô đã tiến hành thảo luận và đưa ra ý kiến bổ sung nhằm hoàn thiện và lựa chọn những phương pháp phù hợp nhất có thể ứng dụng trong giảng dạy và học ngoại ngữ. Với sự đa dạng nội dung nghiên cứu và hàm lượng khoa học cao, hội thảo đã đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả đào tạo tại Khoa Nhật Bản học HUTECH.
Tin: Hoài Như
Ảnh: Anh Khoa
TT. Truyền thông