Theo dự kiến, từ 31/5, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) sẽ tổ chức dạy và học trực tuyến cho sinh viên để tiếp tục công tác đào tạo trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp và khó lường.
Công tác dạy - học trực tuyến của giảng viên, sinh viên HUTECH sẽ được thực hiện dựa trên ứng dụng Google Meet và Google Classroom. Bạn đã biết sử dụng Google Meet và Google Classroom chưa? Để tham gia học trực tuyến bạn cần phải thực hiện những bước và thao tác nào? Sau đây là hướng dẫn chi tiết cách sử dụng Google Meet và Google Classroom trong học tập trực tuyến theo từng bước đơn giản nhất, từ cách truy cập, tham gia lớp học, nhận bài tập từ giảng viên, nộp bài, tương tác với người khác,… cho đến việc hiểu rõ và sử dụng các tính năng của từng ứng dụng.
Các bạn sinh viên HUTECH hãy xem thật kỹ các hướng dẫn để tự tin, sẵn sàng tham gia học trực tuyến và có những trải nghiệm học tập thật thú vị, hiệu quả nhé!
Hướng dẫn tham gia học trực tuyến bằng Google Meet
1. Truy cập Google Meet
Để truy cập vào Google Meet, sinh viên cần đăng nhập vào tài khoản Google bằng bất kỳ trình duyệt nào trên máy tính như Chrome, Cốc Cốc, Firefox… hoặc tải ứng dụng Google Meet từ Google Play đối với thiết bị Android và Apple Store đối với iPhone, iPad. 2. Cách thức tham gia buổi học trực tuyến trên Google Meet
Có 02 cách để bạn tham gia vào buổi học trực tuyến trên Google Meet
Cách 1: Truy cập vào theo đường link: https://meet.google.com.
Cách 2: Truy cập vào Gmail, nhấn chọn biểu tượng Google App -> chọn Meet -> Hiển thị Giao diện của Google Meet.
- Chọn Nhập mã. Ở đây, Mã là chuỗi ký tự ở cuối link buổi học được giảng viên chia sẻ (không nhập dấu gạch ngang).
- Hoặc truy cập link URL trực tiếp do giảng viên/lớp trưởng chia sẻ -> Chọn Tham gia. Sau đó, sinh viên chờ giảng viên xác nhận cho phép tham gia rồi bắt đầu buổi học trực tuyến.
3. Các tính năng của Google Meet
Khi hiện buổi học trực tuyến, sinh viên có thể sử dụng các tính năng của Google Meet như:
- Xem các thành viên có mặt trong buổi học trực tuyến.
- Gửi tin nhắn cho các thành viên trong buổi học qua Hộp thư (Box chat).
- Chọn tính năng Trình bày ngay để chia sẻ/hiển thị màn hình cá nhân.
- Chọn tính năng Giơ tay để phát biểu ý kiến/Trả lời câu hỏi trong buổi học.
- Tùy chỉnh bố cục hình ảnh, hiển thị các thành viên trong buổi học bằng tính năng Thay đổi bố cục.
- Chọn Toàn màn hình để xem video trình chiếu trên toàn màn hình thiết bị.
- Tắt/Bật micro để trò chuyện.
- Bật tắt Video/Webcam màn hình.
- Kết thúc, Rời khỏi cuộc gọi.
4. Lưu ý khi tham gia buổi học bằng Google Meet
- Trong quá trình học trực tuyến, sinh viên có thể tắt micro để tránh tiếng ồn hoặc nhiễu loạn hội thoại. Chỉ cần bật micro khi sử dụng tính năng Giơ tay để phát biểu và trả lời câu hỏi của giảng viên.
- Nếu kết nối Internet chậm dẫn đến sự cố kết nối khi tham gia buổi học, sinh viên có thể chọn Cài đặt tại góc trên bên phải của màn hình, điều chỉnh độ phân giải Gửi và Nhận tại tab Video về chuẩn 360p để chất lượng buổi học được đảm bảo.
Sinh viên có thể xem hướng dẫn chi tiết tại video dưới đây:
Hướng dẫn sử dụng Google Classroom để học trực tuyến
1. Truy cập Google Classroom
Để truy cập vào Google Classroom, trước hết:
- Sinh viên đăng nhập vào tài khoản gmail cá nhân (có đuôi @gmail.com).
- Nhấn chọn biểu tượng Google App -> chọn Google Classroom.
- Trên màn hình Google Classroom, sinh viên kiểm tra lại email -> Chọn Tiếp tục -> Hiển thị giao diện của Google Classroom.
2. Tham gia lớp học bằng Google Classroom
Có 02 cách tham gia lớp học:
Cách 1: Khi sinh viên nhận mã số lớp học từ giảng viên/lớp trưởng, tại giao diện Google Classroom:
- Nhấn vào dấu + ở góc phải màn hình.
- Chọn Tham gia lớp học.
- Nhập mã lớp được cung cấp -> Nhấn Tham gia và đợi xác nhận.
Cách 2: Giảng viên thêm trực tiếp sinh viên vào lớp học qua email.
- Sinh viên mở hộp thư điện tử -> Tìm email thông báo từ Google Classroom -> Mở email -> Nhấn Tham gia và đợi xác nhận.
3. Các tính năng của Google Classroom
- Sinh viên có thể xem danh sách thành viên tham gia lớp học ở mục Mọi người.
- Sinh viên có thể xem các nội dung thông báo hoặc bài tập của giảng viên ở mục Bảng tin.
- Sinh viên xem, làm và nộp bài tập theo yêu cầu của giảng viên ở mục Bài tập trên lớp.
- Khi được sự cho phép của giảng viên, sinh viên có thể đăng bài, chia sẻ tin tức, xem thông tin và bình luận trong Google Classroom.
* Để tạo bài đăng và chia sẻ tin tức:
- Sinh viên vào mục Bảng tin -> Chọn Thông báo nội dung nào đó cho lớp học của bạn.
- Nhập nội dung cần đăng, có thể đính kèm file từ máy tính/Google Drive/video từ Youtube…
- Chọn Đăng.
Sau khi đăng bài, tất cả thành viên trong lớp sẽ nhận thông báo về bài đăng. Người đăng sẽ có thể xóa hoặc sao chép đường link của bài đăng.
* Xem và nộp bài tập theo yêu cầu của giảng viên:
- Sinh viên vào mục Bài tập trên lớp để xem, quản lý thông tin bài học và thực hiện bài tập theo yêu cầu của giảng viên.
- Để xem danh sách, trạng thái bài tập (đã nộp, đã chấm điểm, trễ hạn,…), sinh viên chọn Xem bài tập của bạn -> Chọn và mở bài tập. Tại đây, sinh viên cũng có thể xem hướng dẫn, yêu cầu cũng như tiêu chí tính điểm của từng bài tập.
- Sinh viên có thể nộp bài tập bằng cách tải nhiều file với nhiều định dạng khác nhau. File bài tập cần được nén lại theo dung lượng yêu cầu, sinh viên cần đặt tên file theo hệ thống để quản lý, lưu trữ bài làm của mình và giúp quá trình nhận bài của giảng viên dễ kiểm soát hơn -> Chọn Nộp bài.
- Sau khi nộp bài, sinh viên có thể chọn Hủy để gửi lại bài khác. Lịch sử chỉnh sửa sẽ vẫn hiển thị với giảng viên.
- Khi nộp bài tập trắc nghiệm, sinh viên nhấn vào link Google Form để làm bài -> Sau khi hoàn tất, chọn Gửi để nộp bài.
- Khi giảng viên hoàn tất chấm bài, sinh viên sẽ nhận thông báo qua email hoặc vào mục Xem bài tập của bạn -> Chọn Xem bài đã trả cùng điểm.
Sinh viên có thể xem hướng dẫn chi tiết tại video dưới đây:
Hãy lưu ý và ghi chú những tính năng hiệu quả, tiện lợi của ứng dụng Google Meet và Google Classroom để cùng thực hiện những giờ học trực tuyến hiệu quả, năng suất, HUTECH-ers nhé!
Thực hiện: Ánh Nguyệt - Thành Đạt - Tổ Media
Phòng Truyền thông