Chiều 20/4, Phòng Công tác Sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức Workshop chủ đề “Kỹ năng quản lý và xử lý tình huống xung đột” dành cho đối tượng Ban cán sự lớp. Với nội dung thiết thực, chương trình đã thu hút đông đảo sinh viên tham gia.
Workshop với chủ đề “Kỹ năng quản lý và xử lý tình huống xung đột”
Chương trình nhằm giúp sinh viên hiểu rõ bản chất xung đột và có cách giải quyết xung đột trong môi trường học tập và làm việc hiện nay. Xung đột thường xuyên xảy ra khi có sự khác biệt về quan điểm, lợi ích, giá trị hay cách làm việc. Tuy nhiên, xung đột không phải lúc nào cũng có hại, nếu xử lý một cách khéo léo và linh hoạt, xung đột có thể trở thành động lực để tạo ra những giải pháp sáng tạo để cải thiện hiệu quả học tập và hoạt động phong trào.
Hội thảo diễn ra tại hội trường A.08.20 - Saigon Campus với sự tham dự của TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, TS. Huỳnh Ngọc Anh - Trưởng Phòng Công tác Sinh viên, ThS. Nguyễn Hồng Quý - Phó Trưởng Phòng Công tác sinh viên.
Đảm nhiệm vai trò diễn giả của hội thảo có cô Bùi Thị Thy - Giảng viên Trung tâm Đào tạo nguồn nhân lực FPT và cô Võ Thị Kim Hồng - Trưởng phòng Tuyển dụng và Phát triển nguồn nhân lực FPT Telecom (Top 50 FPT Telecom năm 2022).
Diễn giả của chương trình
Phát biểu tại chương trình, TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Trong cuộc sống, dù muốn hay không thì chúng ta cũng khó có thể tránh khỏi những mâu thuẫn, xung đột, quan trọng là khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột chúng ta sẽ xử lý như thế nào để vừa có kết quả tốt mà và giữ được mối quan hệ mật thiết với nhau. Thầy tin rằng với kiến thức mà các diễn giả chia sẻ trong buổi workshop ngày hôm nay sẽ giúp ích cho các bạn, nhất là thành viên Ban cán sự lớp có thể vận dụng để quản lý lớp của mình, xây dựng tập thể lớp đoàn kết, vững mạnh”.
TS. Nguyễn Xuân Hoàng Việt - Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu
Tại buổi workshop, diễn giả Bùi Thị Thy đã giúp sinh viên nhận diện xung đột, xác định các loại xung đột giữa các cá nhân hay cá nhân và tập thể, đặc biệt là xung đột xảy ra ở sinh viên và giữa sinh viên với Ban cán sự; nguyên nhân của xung đột; lợi ích của xung đột; gợi ý các cách nhanh và hiệu quả để xử lý xung đột; vai trò của người kết nối khi xung đột xảy ra,...
Hai diễn giả chia sẻ về cách xử lý xung đột
Cụ thể, theo chuyên gia: “Xung đột là vấn đề thường xảy ra giữa sinh viên và giữa sinh viên với Ban cán sự, cán bộ Đoàn - Hội, người lãnh đạo. Nguyên nhân chủ yếu do thói quen xấu của một số thành viên; kỹ năng giao tiếp kém, dễ gây hiểu lầm; cái tôi lớn, định kiến cá nhân sâu sắc; mẫu thuẫn giữa lợi ích của từng cá nhân; chưa thấy được lợi ích của hoạt động tập thể; Ban cán sự không đủ nhiệt huyết và chân thành; thiếu sự tin tưởng đối với tổ chức, không công tâm,...”
Sau khi gọi tên các nguyên nhân, cô cũng nhấn mạnh tác động của xung đột trong tập thể. Khi xung đột xảy ra sẽ để hậu quả, ảnh hưởng lớn đến mục đích chung và uy tín của cộng đồng. Tuy nhiên, xung đột không hoàn toàn xấu như chúng ta vẫn lầm tưởng. Bởi sau khi xử lý được xung đột, các bạn sẽ nhận được rất nhiều lợi ích tuyệt vời như: thúc đẩy các mỗi quan hệ phát triển; nhận được sự hỗ trợ hai chiều từ thấy cô và bạn bè; thành tích học tập, NCKH, hoạt động phong trào của cá nhân và tập thể lớp được cải thiện; mở rộng các mối quan hệ, cơ hội phát triển bản thân và xây dựng cơ hội để thực tập và làm việc tại những môi trường tốt; phát triển kỹ năng mềm, phục vụ công việc và cuộc sống hằng ngày; tạo ra nhiều kỉ niệm đẹp, mối quan hệ bạn bè tốt với những thành viên, tập thể lớp, Đoàn - Hội tại HUTECH,... Vậy nên, Ban cán sự luôn cần có cái nhìn cởi mở, giải quyết xung đột tránh để xung đột phát triển theo chiều hướng tiêu cực.
Các bạn sinh viên hào hứng trước những chia sẻ thú vị
Để xử lý các xung đột, Ban cán sự lớp, người lãnh đạo cần hiểu vai trò và vị trí của mình là người kết nối để hoá giải. Đầu tiên, các bạn cần xác định người kết nối là người hiểu rõ bản thân, sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ người khác khi có thể, sẵn sàng kêu gọi sự trợ giúp khi cần, công nhận vai trò của mỗi thành viên, tạo sự tin tưởng và tầm ảnh hưởng đến số đông, giữ vai trò trung lập và đặc biệt luôn tiếp nhận những luồng thông tin trái chiều,…
Sinh viên lắng nghe diễn giả chia sẻ và tương tác với diễn giả
Nắm bắt tâm lý của các bạn, chuyên gia mách nhỏ sinh viên: “Để xử lý xung đột, các bạn cần thông thạo và rèn luyện kỹ năng xử lý qua 07 bước gồm: Kiểm soát cảm xúc, lắng nghe, đặt mình vào vị trí của đối phương, đơn giản hoá vấn đề, ưu tiên phương pháp hoà bình và đối thoại, rút kinh nghiệm cho bản thân và cuối cùng là tha thứ”.
Kết thúc chương trình, diễn giả trích dẫn câu nói của Tony Robbins và nhắn nhủ: "Để giao tiếp hiệu quả, ta phải nhận ra tất cả chúng ta đều có cách nhìn thế giới khác biệt và sử dụng sự hiểu biết này như kim chỉ nam trong giao tiếp với người khác".
Tin rằng, chương trình đã giúp các bạn sinh viên trang bị thêm những kiến thức và kinh nghiệm thực tế về cách nhận biết, phân tích nguyên nhân và bí kíp xử lý các tình huống xung đột trong học tập và làm việc. Chúc các bạn sẽ vận dụng hiệu quả để xung đột không còn là nỗi ám ảnh và bài toán khó khi tiếp xúc với tập thể nữa nhé!
Tin: Hoàng Thương
Ảnh: Nam Thuận
TT. Truyền thông