Hướng đến đổi mới chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động trong giai đoạn chuyển giao của kỹ thuật - công nghệ, ngày 28/3, Khoa Xây dựng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức Hội thảo “Xây dựng chương trình đào tạo 2025”, tạo nên diễn đàn kết nối giữa chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp, mở rộng tiềm năng nghề nghiệp cho sinh viên.
Hội thảo “Xây dựng chương trình đào tạo 2025” diễn ra thành công tại trụ sở Saigon Campus
Mở đầu chương trình, GS.TS. Nguyễn Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, Trưởng Khoa Xây dựng đã trình bày bối cảnh và ý nghĩa của việc đổi mới chương trình đào tạo. Theo thầy, chương trình đào tạo không chỉ tích hợp các phương pháp giảng dạy hiện đại mà còn cần kết nối sâu sắc với doanh nghiệp và xu hướng hội nhập quốc tế. Thầy chia sẻ:“Học tập không chỉ là kiến thức và kỹ năng mà còn là cả trái tim, tạo nên tình yêu bền vững” - từ đó khẳng định triết lý giáo dục và định hướng kiến tạo môi trường học tập năng động, sáng tạo, gắn liền với học tập suốt đời ngay tại HUTECH.
GS.TS. Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh ý nghĩa của việc đổi mới chương trình đào tạo
Tiếp nối chương trình, TS. Trần Tuấn Nam - Phó trưởng Khoa Xây dựng đã làm rõ tinh thần đổi mới của chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng. Thầy nhấn mạnh định hướng quốc tế hóa và tính đương đại trong thiết kế chương trình, cùng với việc cập nhật nội dung các học phần như Công trình giao thông, nền, đường, cầu,.... theo sát nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động. Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của các công trình giao thông hiện nay, các đồ án chuyên ngành được chú trọng như công cụ rèn luyện tư duy thiết kế và năng lực giải quyết vấn đề thực tế.
TS. Trần Tuấn Nam làm rõ tinh thần đổi mới của chương trình đào tạo ngành Kỹ thuật xây dựng
Ngoài ra, Khoa cũng triển khai đồng bộ ma trận tương quan giữa chuẩn đầu ra và học phần nhằm đảm bảo tính nhất quán trong toàn bộ chương trình giáo dục, đảm bảo chất lượng đào tạo cho sinh viên. Đặc biệt, TS. Trần Tuấn Nam lưu ý xu hướng tích hợp các học phần về trí tuệ nhân tạo (AI) vào chương trình không chỉ giúp sinh viên nâng cao năng lực số, mà còn chuẩn bị cho ngành xây dựng bước vào thời đại chuyển đổi số toàn diện.
Cùng với đó, ThS. Trương Công Thuận - Trưởng ngành Quản lý xây dựng cũng đã trình bày rõ các điểm đổi mới nổi bật trong chương trình đào tạo năm 2025. Trước hết là việc nâng cao vai trò công tác kỹ sư, cụ thể thông qua các nội dung đào tạo về lập kế hoạch thi công, kiểm soát chất lượng, quản lý chi phí và sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành như Revit, MS Project, AutoCAD. Chương trình cũng mở rộng các học phần về đấu thầu, phân tích rủi ro, an toàn môi trường, phù hợp với thực tiễn xây dựng hiện đại.
Các điểm đổi mới nổi bật trong chương trình đào tạo được ThS. Trương Công Thuận trình bày cụ thể
Hệ thống học phần của Khoa được cập nhật theo định hướng tiên tiến và bền vững, tiêu biểu như: công trình xanh, trí tuệ nhân tạo ứng dụng, hạ tầng đô thị, phát triển bền vững, sức khỏe - an toàn - môi trường (HSE)... Những nội dung này giúp sinh viên tiếp cận các tiêu chuẩn quốc tế như LOTUS, LEED, ESG và công nghệ xây dựng 4.0. Tổng cộng 20 tín chỉ đồ án và thực tập chuyên ngành được phân bổ, trong đó các đồ án BIM, thi công được mở rộng lên 03 tín chỉ, tạo điều kiện cho sinh viên thực hành mô hình 3D, phối hợp thiết kế, tối ưu tiến độ, đồng thời tham gia thực tế tại công trường qua các học phần thực tập chuyên sâu.
Về định hướng nghề nghiệp, chương trình cho phép sinh viên chọn 01 trong 02 nhóm học phần tự chọn: Quản lý dự án xây dựng hoặc Quản trị doanh nghiệp xây dựng, giúp sinh viên chủ động phát triển chuyên môn phù hợp sở thích và nhu cầu thị trường.
Theo đó, hệ thống học phần được cập nhật những theo định hướng tiên tiến, bền vững
Tại hội thảo, Khoa Xây dựng cũng đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia học thuật, nhà quản lý giáo dục và đại diện doanh nghiệp. Trong đó, PGS.TS. Trần Quang Phú - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông Vận tải đã đưa ra đánh giá tổng quan về chương trình đào tạo, đồng thời bày tỏ sự đồng thuận mạnh mẽ đối với các nội dung đổi mới, đặc biệt là việc mở rộng quy mô đồ án, tăng cường thực tập và tích hợp AI. Theo thầy, đây là những yếu tố đột phá giúp sinh viên nâng cao tư duy kỹ thuật, làm quen với công nghệ hiện đại và rèn luyện năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn, từ đó nâng cao chất lượng đầu ra và khả năng thích ứng của người học trong môi trường nghề nghiệp thực tế.
PGS.TS. Trần Quang Phú đưa ra nhiều đóng góp cho chương trình đào tạo của Khoa
Ở góc độ doanh nghiệp, TS. Kevin Dang - Phó Giám đốc Công ty TNHH Thornton Tomasetti Việt Nam chia sẻ thẳng thắn về kỳ vọng đối với sinh viên mới ra trường. Theo ông, sinh viên cần tập trung đào sâu kiến thức chuyên môn trong quá trình thực hiện đề án để tích lũy kinh nghiệm thực hành và hiểu rõ các tình huống nghề nghiệp. Bên cạnh đó, ông đánh giá cao nỗ lực của Nhà trường trong việc định hướng kỹ năng, năng lực và tư duy nghề nghiệp cho sinh viên, từ đó góp phần hình thành đội ngũ kỹ sư chất lượng cao mà doanh nghiệp thực sự cần.
Theo TS. Kevin Dang, sinh viên cần tăng cường trau dồi các kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp
Cùng quan điểm với các chuyên gia, ông Đinh Viết Duy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp Thương mại 2 (ACSC) khẳng định sự phù hợp của chuẩn đầu ra chương trình đào tạo, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ, kiến thức vật lý và kỹ thuật cơ bản. Theo ông, đây là những nền tảng thiết yếu để sinh viên không chỉ hòa nhập tốt trong môi trường làm việc hiện đại mà còn đủ sức cạnh tranh ở quy mô khu vực và toàn cầu.
Ông Đinh Viết Duy nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại ngữ, kiến thức vật lý và kỹ thuật cơ bản
Dưới góc độ học thuật và quản lý giáo dục, GS.TS. Lê Văn Cảnh - Phó Hiệu trưởng Nhà trường đưa ra định hướng toàn diện trong việc xây dựng chương trình đào tạo ngành xây dựng. Theo thầy, chương trình cần bám sát thị trường lao động, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp trong từng giai đoạn thiết kế và triển khai, kết hợp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại trong đào tạo, trang bị cho sinh viên tư duy công nghệ, kỹ năng số và năng lực đổi mới sáng tạo. Song hành với đó, chương trình cũng phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm và phù hợp với định hướng giáo dục hiện đại, thông qua việc xây dựng khung chương trình mở, linh hoạt, tích hợp năng lực nghề nghiệp và đạo đức xã hội.
Dưới góc độ học thuật và quản lý giáo dục, GS.TS. Lê Văn Cảnh đưa ra định hướng toàn diện trong việc xây dựng chương trình đào tạo ngành xây dựng
Hội thảo “Xây dựng chương trình đào tạo 2025” không chỉ là dịp để các chuyên gia, giảng viên trao đổi chuyên môn mà còn là bước đi quan trọng trong hành trình khẳng định vị thế đào tạo của HUTECH trong lĩnh vực xây dựng. Với sự đồng hành của chuyên gia và doanh nghiệp, chương trình đào tạo mới hứa hẹn sẽ tạo ra một thế hệ kỹ sư bản lĩnh - hiện đại - hội nhập.
Tin: Hồng Loan
Ảnh: Hữu Hào
TT. Truyền thông