Ngày 12/01, Viện Công nghệ Việt - Nhật (VJIT) Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức Tập huấn “Thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các hoạt động của trường học” dành cho giáo viên THPT trên địa bàn Quận Bình Thạnh, tạo điều kiện để các thầy cô nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo và tiếp cận các phương pháp giáo dục hiện đại.
VJIT tổ chức tập huấn thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho giáo viên THPT tại Quận Bình Thạnh
GS.TS. Lê Văn Cảnh nhấn mạnh đổi mới sáng tạo là một yêu cầu quan trọng của công tác giáo dục
Tại buổi tập huấn, các giáo viên đã tìm hiểu 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc - SDGs, trong đó nổi bật là mục tiêu Quality Education (Giáo dục có chất lượng). Đây được xem là kim chỉ nam định hướng các hoạt động giáo dục công bằng và có chất lượng, giúp trường học đóng góp vào sự phát triển chung của toàn cầu. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Thiết kế dự án và Đổi mới sáng tạo thuộc VJIT đã làm rõ khái niệm “đổi mới sáng tạo”, đồng thời nhấn mạnh đây là việc biến đổi các ý tưởng mới và có tiềm năng thành các giải pháp cụ thể (công nghệ, quy trình, sản phẩm, mô hình...) có ích và có khả năng gắn với thực tiễn thương mại nhằm đạt mức tối ưu về năng suất và giá trị.
Giảng viên HUTECH chia sẻ các nội dung tập huấn đến các thầy cô giáo THPT
Buổi tập huấn tập trung giải quyết các vấn đề thực tế trong lớp học thông qua một quy trình rõ ràng và cụ thể. Trong đó, bước 1 - Sense & Sensibility (Cảm nhận bằng Lý trí và tình cảm) gồm tiến hành khảo sát thực trạng vấn đề, thu thập dữ liệu và tiến hành phân tích để nhận diện các thách thức từ hoạt động giảng dạy và học tập. Bước 2 - Empathy (Thấu cảm) hướng đến tạo chân dung đối tượng (persona) để hình dung rõ đối tượng, vấn đề/thách thức cần giải quyết, mức độ nhu cầu cần giải quyết, nguyên nhân của vấn đề, mục tiêu giải quyết vấn đề qua đó có cơ sở để đề xuất các giải pháp phù hợp. Bước 3 - Ideation (Xác định phạm vi thiết kế), nhóm thực hiện phân tích và chọn ra giải pháp khả thi nhất dựa trên các tiêu chí về tính sáng tạo, khả năng áp dụng vào giải quyết vấn đề cốt lõi. Cuối cùng, bước 4: Prototyping (Làm bản mẫu), các nhóm trình bày ý tưởng trên poster với các nội dung chi tiết từ quy trình phát hiện vấn đề đến các biện pháp đề xuất, đảm bảo thông tin được đầy đủ, rõ ràng và logic. Đặc biệt, các thầy cô được khuyến khích ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tối ưu hóa hiệu quả giảng dạy.
Các giáo viên thực hành đề xuất ý tưởng giải quyết vấn đề cụ thể trên poster và thuyết trình
Buổi tập huấn tạo điều kiện để các giáo viên thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong hoạt động giáo dục
Để nâng cao hiệu quả buổi tập huấn, các thầy cô chia nhóm thực hành những nội dung lý thuyết đã được đề cập, qua đó, các giáo viên không chỉ tăng cường kỹ năng giải quyết vấn đề một cách thực tế mà còn phát triển tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng thuyết trình, phản biện tự tin và thuyết phục. Khép lại buổi tập huấn, hai dự án gồm "App hướng nghiệp thông qua phân tích nhóm tính cách và trải nghiệm nghề nghiệp" và "Ứng dụng tích hợp mạng xã hội để quản lý việc học sinh tham gia hoạt động" được trao giải thưởng Dự án xuất sắc của chương trình tập huấn. Những ý tưởng sáng tạo được trình bày là minh chứng rõ nét cho nỗ lực xây dựng môi trường học tập hiện đại, bền vững góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Tin: Xuân Mai
Ảnh: Đức Hạnh
TT. Truyền thông