Nhằm giúp giảng viên hiểu rõ hơn về ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh tế số, Khoa Marketing - Kinh doanh quốc tế Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI trong các hoạt động marketing và kinh tế số” vào ngày 26/12.
Khoa Marketing - Kinh doanh quốc tế tổ chức hội thảo về ứng dụng AI
Đảm nhận diễn giả tại chương trình là ThS. Trần Thanh Phong và thầy Trần Thế Hào - Giảng viên Khoa Marketing - Kinh doanh quốc tế. Các diễn giả đã giới thiệu bức tranh tổng quan về sự phát triển của AI, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số hiện nay. Theo đó, AI không chỉ thay đổi cách tiếp cận trong lĩnh vực kinh tế, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, đóng vai trò như một "người trợ lý" thông minh, giúp giảng viên xử lý công việc nhanh chóng và chính xác. Các công cụ AI có thể tự động chấm điểm, thiết kế câu hỏi kiểm tra và quản lý hồ sơ học tập của sinh viên, giúp tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả công việc cho các thầy cô.
Bên cạnh việc hỗ trợ giảng dạy, AI còn nâng cao chất lượng giáo dục thông qua việc tự động hóa các công việc hành chính, giúp giảng viên tiết kiệm thời gian và tập trung hơn vào nghiên cứu cũng như cải tiến phương pháp giảng dạy. Các hệ thống AI cho phép quản lý và theo dõi tiến độ học tập của sinh viên một cách chính xác và minh bạch, góp phần xây dựng môi trường học tập hiệu quả, sáng tạo. Không chỉ dừng lại ở vai trò hỗ trợ, AI còn mở ra cơ hội để giảng viên phát triển kỹ năng chuyên môn và nâng cao chất lượng đào tạo một cách toàn diện.
ThS. Trần Thanh Phong và thầy Trần Thế Hào giới thiệu tổng quan về AI và các công cụ phổ biến
Tại hội thảo, nhiều công cụ AI phổ biến và hữu ích đã được giới thiệu như: PopAI, Dall-E, Midjourney, ChatGPT, Gemini,... Ngoài ra, diễn giả cũng chia sẻ về kỹ năng tạo lệnh Prompt và vai trò của Prompt Engineering, giúp hướng dẫn AI phản hồi chính xác và hiệu quả. Kỹ năng này giúp giảng viên tối ưu hóa việc sử dụng AI để soạn thảo tài liệu, bài giảng và bài tập, tiết kiệm thời gian và công sức.
Các công cụ khác như Runway, Sora (OpenAI) và Leonardo AI cũng được giới thiệu để hỗ trợ tạo hình ảnh, video và nội dung đa phương tiện sinh động. Runway cho phép tạo video, hiệu ứng đặc biệt và hình ảnh động phục vụ minh họa bài giảng. Sora hỗ trợ tạo video và hình ảnh cá nhân hóa nội dung học tập, trong khi Leonardo AI giúp thiết kế hình ảnh sáng tạo cho bài giảng và nghiên cứu. Ngoài ra, các công cụ như Suno và Udio hỗ trợ tạo nhạc nền và âm thanh, giúp bài giảng thêm phong phú và thu hút sinh viên.
Hội thảo mở ra cơ hội để giảng viên Khoa tăng cường kinh nghiệm ứng dụng AI vào hoạt động đào tạo
Buổi hội thảo không chỉ cung cấp kiến thức và kinh nghiệm thực tế, mà còn giúp giảng viên nhận thức rằng AI là công cụ đắc lực và cơ hội để phát triển bản thân, nâng cao kỹ năng giảng dạy. Qua những trao đổi tại chương trình, giảng viên Khoa Marketing - Kinh doanh quốc tế đã có thêm động lực áp dụng AI vào giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và chuẩn bị cho thế hệ sinh viên tương lai trong thời đại công nghệ số.
Tin: Mỹ Lệ
Ảnh: Quốc Đạt
TT. Truyền thông