Hội thảo “Innovative curriculum design and Assessment strategies in transnational education (TNE): Challenges and Opportunities” diễn ra vào 9/12 tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã cung cấp nhiều góc nhìn mới mẻ và chuyên sâu về việc nâng cao chất lượng chương trình giáo dục xuyên quốc gia (TNE), hướng đến đổi mới đào tạo, quốc tế hóa và chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam.
Hội thảo diễn ra tại Saigon Campus ngày 9/12 vừa qua, thu hút đông đảo giảng viên tham dự
Hội thảo là một trong những hoạt động của Dự án Phát triển Giáo dục Xuyên Quốc gia Anh quốc (UK TNE Development Project), được tài trợ bởi Hội đồng Anh. Dự án là nỗ lực hợp tác của liên minh gồm bốn trường đại học: HUTECH, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF), Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt-Hàn (VKU) và Trường Đại học Phenikaa. Cùng nhau, các trường hướng đến nâng cao chất lượng các chương trình TNE tại Việt Nam và thúc đẩy quan hệ hợp tác học thuật chặt chẽ giữa Việt Nam và Anh quốc.
|
|
Đại diện HUTECH bày tỏ niềm hân hạnh qua các bó hoa và quà cảm ơn tặng đến các đơn vị đối tác và diễn giả
Chương trình có sự tham dự của đại diện Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM gồm bà Alexandra Elizabeth Smith - Tổng Lãnh sự và bà Hồ Thị Kim Phượng - Chuyên gia Quản lý Giáo dục. Đại diện Hội đồng Anh có sự tham gia của bà Hoàng Vân Anh - Head of Education; bà Lê Thu Hiền - Programme Manager, Education; bà Phi Phan - Programme Manager, Education. Đóng vai trò thành viên Ban tổ chức hội thảo, HUTECH có sự hiện diện của TS. Lý Thiên Trang - Phó Hiệu trưởng, TS. Hoàng Ngọc Nhung - Phó trưởng Phòng Hợp tác và Quản lý Dự án Quốc tế, ThS. Nguyễn Lan Hương - Phó trưởng Phòng Hợp tác và Quản lý Dự án Quốc tế.
Đại diện của Lãnh sự quán Anh tại TP.HCM, Hội đồng Anh và HUTECH tham dự chương trình
Hội thảo thu hút sự tham gia của đông đảo các trường đại học trên toàn quốc dưới hình thức trực tuyến lẫn trực tiếp, như Acumen, CQUniversity, Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Văn Lang, các trường thành viên thuộc ĐHQG TP.HCM và ĐHQG HN, Học viện Cán bộ, Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Y Hà Nội,...
TS. Katie Lupton - Trưởng Phòng Hợp tác Học thuật Quốc tế Đại học Leeds Trinity mở đầu phiên chuyên môn với bài tham luận về tầm quan trọng của thiết kế chương trình học sáng tạo trong bối cảnh giáo dục xuyên quốc gia. Bà nhấn mạnh rằng, thiết kế chương trình không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng các tiêu chuẩn học thuật mà còn cần tạo ra môi trường học tập đa dạng và hòa nhập cho sinh viên.
TS. Katie Lupton trình bày tầm quan trọng của việc thiết kế chương trình giảng dạy và học tập tập chủ động
TS. Katie Lupton giới thiệu khung thiết kế theo Nguyên tắc học tập toàn diện (Universal Design for Learning - UDL). Đây là phương pháp đảm bảo mọi sinh viên, bất kể nền tảng học vấn hay khả năng cá nhân, đều có cơ hội tiếp cận kiến thức một cách bình đẳng. Ba trụ cột chính của UDL bao gồm Engagement (kết nối nội dung học với các tình huống thực tế), Representation (sử dụng đa hình thức giảng dạy như văn bản, hình ảnh và video), Action and Expression (cho phép sinh viên thể hiện sự hiểu biết thông qua nhiều hình thức, từ bài viết, thuyết trình đến dự án sáng tạo). Bà nhấn mạnh rằng việc áp dụng UDL không chỉ cải thiện kết quả học tập mà còn tăng cường sự tham gia và gắn kết của sinh viên - điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh TNE, nơi sinh viên đến từ nhiều nền văn hóa và môi trường học tập khác nhau.
Cô áp dụng các chiến lược đã trình bày để trao đổi với các giảng viên ngay tại hội thảo
Bên cạnh UDL, TS. Katie Lupton còn trình bày về Chiến lược học tập chủ động (Active Learning). Đây là phương pháp chuyển trọng tâm từ giảng viên sang sinh viên, khuyến khích các bạn tham gia tích cực thông qua các hoạt động tương tác như thảo luận nhóm, trò chơi hóa và lớp học đảo ngược (flipped classroom). Trong tham luận, bà liệt kê các chiến lược cụ thể, bao gồm:
(1) Think-pair-share: Sinh viên suy nghĩ, trao đổi ý kiến với bạn học và chia sẻ trước lớp.
(2) Case-based Learning: Sử dụng các tình huống thực tế để sinh viên áp dụng kiến thức vào giải quyết vấn đề.
(3) Flipped Classroom: Sinh viên tự học lý thuyết trước ở nhà, dành thời gian trên lớp cho các hoạt động thực hành và thảo luận.
Tại chương trình, quý thầy cô được thực hành các phương pháp giảng dạy mà TS. Katie Lupton giới thiệu
Tiếp đến, GS.TS. Nguyễn Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng HUTECH đã mang đến một góc nhìn mới về việc tích hợp học tập số và công nghệ trong giáo dục đại học. Thầy giới thiệu hệ sinh thái học tập số của HUTECH, bao gồm các nền tảng như eLearning, hệ thống thư viện số và các công cụ quản lý học tập hiện đại.
Trình bày về chuyển đổi số trong giáo dục, GS.TS. Nguyễn Trung Kiên đưa ra các phương pháp đổi mới đào tạo
GS.TS. Nguyễn Trung Kiên nhấn mạnh rằng chuyển đổi số không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là sự thay đổi trong cách tiếp cận giáo dục. Khi đó, giảng viên có thể áp dụng mô hình lớp học đảo ngược để tối ưu hóa thời gian giảng dạy; tích hợp các công cụ đánh giá trực tuyến để cung cấp phản hồi nhanh và chính xác; phát triển các khóa học trực tuyến ngắn hạn nhằm đáp ứng nhu cầu học tập linh hoạt của sinh viên. Những sáng kiến này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho những đối tượng sinh viên ở xa hoặc có hoàn cảnh đặc biệt.
Không khí hội thảo sôi nổi hơn khi các giảng viên thảo luận về các giải pháp giảng dạy, học tập hiệu quả
Tiếp nối hội thảo, ông Maxime Vigier - Giảng viên Đại học Gloucestershire đã chia sẻ câu chuyện thành công của khóa học “Chiến lược Marketing Kỹ thuật số”. Khóa học đã được điều chỉnh từ mô hình quốc tế sang mô hình phù hợp với bối cảnh Việt Nam, cho phép sinh viên thực hành qua các dự án thực tế như phát triển sản phẩm mới hoặc tổ chức các chiến dịch từ thiện. Đây là minh chứng rõ nét cho việc đổi mới thiết kế chương trình học có thể giúp sinh viên không chỉ học lý thuyết mà còn phát triển kỹ năng thực hành.Một điểm nhấn khác của hội thảo là phần thảo luận bàn tròn về những thách thức khi triển khai giáo dục xuyên quốc gia. Các chuyên gia đã phân tích các rào cản như sự khác biệt văn hóa, yêu cầu pháp lý, và hạn chế cơ sở hạ tầng tại các nước đối tác. Các giải pháp được đề xuất bao gồm việc tăng cường hợp tác giữa các trường đại học, đồng thời đào tạo đội ngũ giảng viên để hiểu và thích nghi với sự khác biệt văn hóa. Đây được xem là yếu tố then chốt giúp nâng cao chất lượng và tính bền vững của các chương trình TNE.
"Thảo luận bàn tròn" - nơi các diễn giả nêu lên thách thức và cơ hội trong việc triển khai các chương trình TNE
Những ý kiến tại hội thảo sẽ góp phần nâng cao chất lượng và quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam
Các tham luận tại Hội thảo “Innovative curriculum design and Assessment strategies in transnational education (TNE): Challenges and Opportunities” không chỉ cung cấp góc nhìn sâu rộng về đổi mới giáo dục mà còn đặt ra những bước đi cụ thể để nâng cao chất lượng và quốc tế hóa giáo dục đại học tại Việt Nam. Đây không chỉ là nền tảng cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Anh mà còn là động lực thúc đẩy giáo dục Việt Nam vươn xa trên bản đồ học thuật quốc tế.
Tin: Bảo Thư
Ảnh: Ngọc Duy - Bảo Hân
TT. Truyền thông