TTO - Từ những chiếc vảy cá phế phẩm, Lê Ngọc Biết đã 'biến hóa' thành cánh mai vàng rực. Đây là một trong những sản phẩm trong dự án khởi nghiệp của anh.
Lê Ngọc Biết đính vảy cá lên cành mai
Lê Ngọc Biết là sinh viên năm 3, trường Đại học Công nghệ TPHCM (ĐH Hutech). Từ những chiếc vảy cá lấp lánh bị bỏ đi như phế phẩm, chàng trai Phú Yên lên ý tưởng để biến nó thành một sản phẩm thủ công bán ra thị trường. Mai mùa Tết là một trong số những sản phẩm đó.
Tỉ mỉ và kiên trì
Dịp gần Tết, các cây mai nhựa hay mai vải được trưng bày bán ở khắp nơi. Ngọc Biết phát hiện, những vảy cá mình làm tranh có hình dáng y như cánh mai. Từ đó, anh quyết định thử làm một cây mai để chưng Tết. Khi hoàn thành, sản phẩm khiến nhiều người hứng thú và đặt mua, từ đó Biết quyết định làm mai, đào để bán.
Đính mai cần độ chính xác và tỉ mỉ cao
Ngọc Biết lấy nguồn vảy cá từ một người quen bán cá ở chợ Đo Đạc (quận 2). Sau khi thu vảy cá từ chợ, anh làm sạch, ngâm trong hóa chất (enzim) để khử mùi tanh rồi phơi khô và nhuộm màu. Anh dùng keo nến đính vảy cá lên cành mai thô đã mua. Cứ mỗi bông mai, anh mất khoảng 30 giây để hoàn thành, không khó nhưng yêu cầu cần chính xác và tỉ mỉ để cánh hoa không bị lệch.
Biết chia sẻ: "Cánh mai làm từ vảy cá có độ trong suốt và lấp lánh cao hơn, không dễ hư hỏng. Một chậu mai có thể để chưng 5 - 6 năm. Thứ mình hướng đến là một sản phẩm độc, lạ, duy nhất trên thị trường".
Trước khi đính vảy cá lên mai, Lê Ngọc Biết từng thí nghiệm để vảy cá đã nhuộm ngâm trong nước một tháng. Kết quả, vảy cá không bị phai màu. Anh cũng tham gia nghiên cứu và biết từng loại vảy cá tương ứng với những nồng độ enzim khử mùi khác nhau.
"Thời gian đầu tiếp xúc với vảy cá, tụi mình không thể chịu được mùi tanh và hình ảnh từ các phế phẩm, thậm chí nhiều ngày không ăn được cá. Bây giờ mình dần quen", Lê Ngọc Biết kể.
Khó khăn nhất Biết gặp khi làm hoa mai là độ cong của vảy cá không như ý muốn. Khi phơi khô, vảy cá sẽ bị cong, lúc đính lên sẽ phải giữ và vuốt thẳng. Tuy nhiên, so với tranh, anh thấy làm mai dễ hơn. Chỉ cần hướng dẫn sơ qua, các bạn sinh viên đều có thể làm được.
Không quan tâm lợi nhuận
Hiện tại, thông qua các kênh online, Biết đã có hơn 100 đơn hàng, gồm chậu mai, cành mai và cả bông rơi. Đối với các chậu mai, một cây mai thô anh mua với giá sỉ là 150.000 đồng. Sau khi tháo bông vải để đính vảy cá, anh vẫn bán bằng giá trên thị trường là 195.000 đồng. Cây lớn nhất có giá 370.000 đồng.
"Mục đích của mình hiện tại chưa phải là lợi nhuận. Mình khởi nghiệp nên mong muốn lớn nhất là nhiều người biết đến sản phẩm của mình, tạo ra thương hiệu riêng. Quan trọng hơn hết là tạo việc làm và thu nhập cho mọi người", chàng trai chia sẻ.
Công việc khá nhẹ nhàng và rất tiện cho các bạn sinh viên làm vào thời gian rảnh. Mọi người chỉ cần đến nhận dụng cụ từ Ngọc Biết, sau đó có thể tập trung nhiều bạn làm, hoặc mang về nhà làm. Cứ đính mỗi bông, các bạn được 200 đồng, mỗi cây có khoảng 30 bông. Hiện có 20 bạn sinh viên đang nhận làm công việc này.
Cây mai vải (trái) và cây mai làm từ vảy cá của Lê Ngọc Biết (phải)
Nguyễn Tuấn (sinh viên ĐH Hutech) cũng nhận làm hoa mai cho Lê Ngọc Biết. Anh cho hay: "Công việc này rất đơn giản và dễ làm. Chỉ cần lấy keo đính mai lên cành là xong. Mình có thể tranh thủ lúc rảnh làm mà không cần nhiều giờ liên tục như đi làm thêm ở ngoài".
Tuy nhiên, nguồn nhân công chính của Lê Ngọc Biết là những người dân ở quê. Biết cho hay nhiều lao động ở vùng anh sống không có việc làm. Do đó anh muốn tạo việc làm cho mọi người bằng cách chuyển nguyên liệu làm tranh, làm hoa mai về quê cho bà con cùng thử. Mong muốn lớn nhất của chàng trai trẻ là giải quyết lao động, đồng thời đem đặc trưng của vùng biển quê hương quảng bá đến mọi người.
Ngọc Biết sẽ làm hoa hồng bằng vảy cá để bán vào dịp lễ Tình nhân 14-2.
Bài và ảnh: Ý NHUNG
Theo TTO