Nhằm kết nối sinh viên với các chuyên gia hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, ngày 01/4, Viện Văn hóa - Nghệ thuật - Thể thao Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức workshop với chủ đề “Từ sách đến màn ảnh - Tiềm năng của Văn học kỳ ảo và Phim kinh dị Việt Nam”.
Sự kiện đã mang đến cái nhìn đa chiều về hành trình chuyển thể từ văn học sang điện ảnh, đồng thời khơi dậy cảm hứng sáng tạo cho sinh viên đặc biệt trong hai thể loại đang có nhiều tiềm năng khai thác: kỳ ảo và kinh dị - nơi bản sắc văn hóa dân tộc có thể được thể hiện một cách sinh động và độc đáo.
Sự kiện đã mang đến cái nhìn đa chiều về hành trình chuyển thể từ văn học sang điện ảnh đến sinh viên
Phát biểu mở đầu, ThS. Đỗ Trần Thành - Phó trưởng Phòng Công tác sinh viên nhấn mạnh rằng ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình tuy còn non trẻ nhưng đang thu hút một thế hệ sinh viên đầy đam mê và khát vọng khám phá. Workshop lần này là cơ hội để các bạn không chỉ tiếp thu tri thức mới mà còn tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia đang hoạt động tích cực trong ngành, tiến gần hơn đến thực tiễn ngành nghề.
ThS. Đỗ Trần Thành nhấn mạnh về tiềm năng của ngành Công nghệ điện ảnh trong kỷ nguyên số
Chia sẻ tại chương trình, tác giả Thảo Trang - cây bút nổi tiếng với những tác phẩm đình đám như Tết ở làng Địa Ngục, 25 độ âm, Ngủ cùng rồi chết,… cho biết, chị bắt đầu tìm kiếm chất liệu cho thể loại kinh dị từ chính những kiến thức học được trong môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam”. Chị nhận ra rằng văn hóa dân gian Việt là một kho tàng phong phú về mặt tâm linh và hoàn toàn có thể trở thành nền tảng để xây dựng thế giới hư cấu vừa gần gũi vừa lôi cuốn. Bàn về kinh nghiệm chuyển thể, tác giả Thảo Trang đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của tiêu đề và logline trong việc thuyết phục nhà đầu tư: “Một tiêu đề hấp dẫn và một logline rõ ràng chính là điểm mấu chốt để thu hút nhà đầu tư.”
Tác giả Thảo Trang chia sẻ về tầm quan trọng của tiêu đề và logline trong việc thuyết phục nhà đầu tư
Ở góc độ nhà sản xuất, chị Mai Thanh Hà - CEO Mai Films chỉ ra rằng thách thức lớn nhất khi chuyển thể văn học sang điện ảnh là làm sao truyền tải được cảm xúc nội tâm của nhân vật bằng hình ảnh, điều vốn dĩ dễ biểu đạt hơn qua ngôn từ. Chị cũng đề cao tinh thần trải nghiệm đa dạng trong quá trình làm phim, khuyến khích các bạn trẻ thử sức ở nhiều vị trí để hiểu rõ quy trình sáng tạo tổng thể. Theo chị, khai thác các câu chuyện dân gian không chỉ giúp giữ gìn bản sắc mà còn mang đến chất liệu mới mẻ, chân thực cho điện ảnh Việt.
Những thách thức lớn nhất khi chuyển thể văn học sang điện ảnh cũng được diễn giả Thanh Hà chia sẻ
Dưới góc nhà nghiên cứu, TS. Hà Thanh Vân - Fouder kiêm Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (COPAC) nhận định rằng văn học và điện ảnh tuy là hai loại hình khác nhau, nhưng khi kết hợp đúng cách sẽ mở ra khả năng tiếp cận công chúng mạnh mẽ, đặc biệt là trong những thể loại cần nhiều không gian tưởng tượng như kỳ ảo và kinh dị.
TS. Hà Thanh Vân cũng cho rằng việc giữ gìn giá trị văn hóa bản địa là yếu tố cốt lõi để điện ảnh Việt tạo được bản sắc riêng biệt trên bản đồ điện ảnh thế giới. Một bộ phim chất lượng không thể thiếu người đạo diễn hiểu rõ văn hóa địa phương, biết cách lồng ghép những ký ức tập thể vào từng khung hình.
TS. Hà Thanh Vân cho thấy tiềm năng to lớn khi kết hợp đúng cách hai loại hình văn học và điện ảnh
Nhìn từ phía thị trường, ông Ân Nguyễn - Nhà sáng lập Saola Group chia sẻ rằng dù thể loại tâm linh - kinh dị đang thu hút được nhiều sự quan tâm, nhưng để thành công lâu dài là phải xuất phát từ tư duy nghệ thuật. Ông lưu ý các bạn trẻ cần vượt qua xu hướng ngắn hạn, tập trung vào chiều sâu nội dung và tư duy kể chuyện, đồng thời rèn luyện tính kỷ luật và bản lĩnh sáng tạo - những tố chất quan trọng của một người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Ông Ân Nguyễn khuyên sinh viên vượt qua xu hướng ngắn hạn, tập trung vào chiều sâu nội dung, tư duy kể chuyện
Sinh viên lắng nghe và trao đổi cùng các diễn giả xoay quanh định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực điện ảnh
Workshop khép lại bằng phần giao lưu đầy sôi nổi giữa sinh viên và các diễn giả. Những câu hỏi xoay quanh kỹ năng viết kịch bản, cách tìm kiếm cảm hứng, xử lý các tình huống sản xuất thực tế, và định hướng sự nghiệp cho thấy sự quan tâm sâu sắc và khát khao phát triển nghề nghiệp của sinh viên ngành Công nghệ điện ảnh, truyền hình. Tin rằng, những chia sẻ giá trị vừa qua sẽ là nguồn ý tưởng thiết thực để các bạn tiếp nối và vận dụng trong quá trình thực hành nghề nghiệp, góp phần khẳng định bản sắc điện ảnh Việt trong thời đại toàn cầu hóa.
Tin: Minh Thi
Ảnh: Thành Phúc
TT. Truyền thông