Nhằm giúp sinh viên nhận thức rằng số liệu trong nghiên cứu là những “thông tin biết nói”, phản ánh tâm huyết và trí tuệ của người làm nghiên cứu, Khoa Khoa học Xã hội và Quan hệ Công chúng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức Chuyên đề “Khám phá sức mạnh dữ liệu” vào ngày 21/3.
Tại chương trình, ThS. Phạm Thị Bích Phượng - Trưởng ngành Tâm lý học đã có phần trình bày chuyên sâu với những nội dung thiết thực nhằm hỗ trợ sinh viên trong quá trình thực hiện các bài nghiên cứu khoa học. Bài chia sẻ tập trung vào ba nội dung chính: hệ thống các bước thiết kế nghiên cứu, phương pháp thu thập và xử lý dữ liệu và thực hành phân tích dữ liệu. Qua đó, các bạn được trang bị kiến thức toàn diện về quy trình nghiên cứu từ khâu hình thành ý tưởng đến khi hoàn thiện và trình bày kết quả.
ThS. Phạm Thị Bích Phượng đã có phần trình bày chuyên sâu với những nội dung thiết thực về dữ liệu khoa học
Để sinh viên hiểu rõ vai trò và giá trị của dữ liệu trong nghiên cứu khoa học, ThS. Phạm Thị Bích Phượng đã trình bày một cách hệ thống các nội dung cốt lõi, bao gồm: mục tiêu nghiên cứu, sự cần thiết của việc thực hiện nghiên cứu, các bước xây dựng thiết kế nghiên cứu một cách bài bản. Đặc biệt, diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hành xử lý bộ dữ liệu - một giai đoạn then chốt trong toàn bộ quy trình nghiên cứu. Các bước thực hiện quá trình này bao gồm: thực hiện phân tích thống kê mô tả, tiếp đến là các phân tích phức tạp hơn; trực quan hóa kết quả nhằm hỗ trợ diễn giải thông tin; đánh giá độ tin cậy của kết quả phân tích; và cuối cùng là trình bày các kết quả một cách mạch lạc, rõ ràng trong báo cáo nghiên cứu.
Hiểu rõ ý nghĩa dữ liệu giúp bài nghiên cứu khoa học của sinh viên nâng cao chất lượng
Bên cạnh nội dung chuyên môn, diễn giả cũng nhấn mạnh đến những yêu cầu về đạo đức trong nghiên cứu khoa học. Theo đó, người làm nghiên cứu cần đảm bảo tính minh bạch trong toàn bộ quá trình thực hiện, tôn trọng quyền riêng tư của người tham gia và xử lý dữ liệu một cách chính xác, khách quan, tránh mọi hình thức bóp méo thông tin vì mục đích cá nhân.
Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, chương trình còn đi sâu vào thực hành thông qua việc phân tích một ví dụ cụ thể về quy trình nghiên cứu một đề tài. Từ đó, sinh viên được hướng dẫn cách lựa chọn công cụ thu thập dữ liệu phù hợp, cách xử lý và phân tích dữ liệu một cách khoa học, đồng thời nhận diện các lỗi thường gặp và cách khắc phục hiệu quả.
Sinh viên được củng cố kiến thức thông qua phần thực hành
Chương trình đã thúc đẩy các bạn tự tin bước vào lĩnh vực học thuật và nghiên cứu chuyên sâu
Ngoài ra, các bạn còn được thực hành trình bày nội dung nghiên cứu bằng văn phong học thuật, sử dụng ngôn ngữ trang trọng, chính xác, tránh cảm tính; đồng thời biết cách sử dụng số liệu cụ thể, lập luận chặt chẽ và trích dẫn dẫn chứng rõ ràng. Những kỹ năng này không chỉ giúp nâng cao chất lượng bài nghiên cứu, mà còn tạo nền tảng vững chắc để sinh viên tự tin bước vào các lĩnh vực học thuật và nghiên cứu chuyên sâu trong tương lai.
Tin: Hồng Loan
Ảnh: Hữu Hào
TT. Truyền thông