Sinh viên ngành Robot và trí tuệ nhân tạo và ngành Kỹ thuật điện thuộc Viện Kỹ thuật Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã có chuyến tham quan "cánh đồng" pin năng lượng lớn thứ hai Việt Nam tại Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng vào 03/01, từ đó khám quá quy trình vận hành, tìm hiểu các công nghệ hiện đại và mở rộng kiến thức về năng lượng tái tạo.
HUTECH-ers đã có chuyến tham quan "cánh đồng" pin năng lượng lớn thứ hai Việt Nam
Đồng hành cùng sinh viên trong chuyến đi lần này là TS. Phạm Quốc Thiện - Trưởng ngành Robot và trí tuệ nhân tạo và ThS. Huỳnh Phát Huy - Giảng viên Viện. Được biết, chuyến tham quan nằm trong khuôn khổ học phần "Nhập môn kỹ thuật điện" và "Trí tuệ nhân tạo", nhằm giúp các bạn có thêm trải nghiệm thực tế và củng cố nền tảng kiến thức đã học. Chia sẻ về chuyến đi, ThS. Huỳnh Phát Huy cho biết: "Hoạt động lần này giúp sinh viên tăng cường trải nghiệm thực tế, nắm bắt kiến thức về năng lượng mặt trời, hệ thống biến áp, hệ thống pin, hệ thống điều khiển. Từ đó, khơi dậy niềm đam mê học tập cho các bạn và định hình công việc trong tương lai".
Đại diện HUTECH và doanh nghiệp trong chuyến tham quan
Trong chuyến đi, sinh viên Robot và trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật điện được tham quan cánh đồng pin năng lượng mặt trời rộng lớn với hàng ngàn tấm pin trải dài, lắng nghe giới thiệu cách năng lượng mặt trời được thu thập, chuyển đổi thành điện năng để đưa vào mạng lưới điện quốc gia và cách duy trì để vận hành hiệu quả, lâu dài.
Sinh viên hào hứng khám phá "rừng pin" năng lượng mặt trời rộng hơn 200 hecta nằm ven Hồ Dầu Tiếng
Ngoài việc quan sát trực tiếp, sinh viên còn tham gia trao đổi chuyên sâu với đội ngũ kỹ thuật của nhà máy. Các câu hỏi xoay quanh quy trình vận hành, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất chuyển đổi năng lượng, phương pháp duy trì tuổi thọ của pin năng lượng mặt trời và thiết kế của trạm biến áp đều được giải đáp chi tiết. Những thông tin này giúp sinh viên hiểu rõ hơn về cách công nghệ hiện đại được áp dụng để tối ưu hóa hiệu quả hoạt động của hệ thống.
Anh Trần Quang Tiến giới thiệu đến sinh viên tổng quan quy trình vận hành của nhà máy
Sinh viên đặt nhiều câu hỏi xoay quanh về lĩnh vực pin năng lượng mặt trời và các thiết kế của trạm biến áp
Điểm nhấn của chuyến tham quan là khu vực trạm biến áp - nơi xử lý và truyền tải năng lượng từ hệ thống pin mặt trời đến lưới điện quốc gia. Tại phòng điều khiển, sinh viên có cơ hội quan sát trực tiếp các kỹ sư vận hành và điều chỉnh toàn bộ hoạt động của nhà máy thông qua hệ thống giám sát tự động. Tiếp đó, các bạn được giới thiệu robot lau dọn pin năng lượng mặt trời với công nghệ hiện đại - một giải pháp thông minh giúp duy trì hiệu suất và kéo dài tuổi thọ của các tấm pin. Những trải nghiệm thực tế này không chỉ giúp sinh viên kết nối sâu sắc hơn giữa lý thuyết và thực tiễn, mà còn cung cấp cái nhìn toàn diện về quy trình vận hành của nhà máy năng lượng tái tạo.
Sinh viên tìm hiểu quy trình truyền tải năng lượng từ hệ thống pin mặt trời đến lưới điện quốc gia tại trạm biến áp
Các bạn quan sát các kỹ sư vận hành nhà máy thông qua hệ thống giám sát tự độngĐồng hành cùng sinh viên tại chuyến tham quan có anh Trần Minh Trí - Phó Phòng Kỹ thuật
Sinh viên tìm hiểu robot lau dọn pin giúp duy trì hiệu suất và kéo dài tuổi thọ của các tấm pin năng lượng
Bạn Nguyễn Quang Thái - sinh viên ngành Robot và trí tuệ nhân tạo chia sẻ: "Chuyến đi đã giúp em hiểu được quy trình của dòng điện từ tấm quang điện qua máy biến áp để hòa vào lưới điện quốc gia. Không những thế, em còn biết thêm một số thiết bị điện và robot vận hành trong nhà máy. Qua đó, em đã có thêm định hướng rõ hơn về ngành nghề mình theo đuổi sau này".
Qua chuyến đi, các bạn đã được nhận thức về vai trò quan trọng của năng lượng sạch
Đặc biệt, tại đây, anh Trần Quang Tiến - Trưởng Phòng Kỹ thuật nhà máy, cựu sinh viên khóa 2012 Viện Kỹ thuật đã gửi lời cảm ơn đến Nhà trường: "Mình luôn cảm thấy biết ơn những kiến thức nền tảng mà HUTECH đã trang bị trong quãng thời gian học tại Trường, đặc biệt là những chuyến tham quan thực tế tại các doanh nghiệp, giúp mình tích lũy kiến thức chuyên môn và định hình rõ hơn hướng đi nghề nghiệp của mình".
Đây là bước đệm giúp sinh viên định hướng nghề nghiệp cụ thể và sẵn sàng hội nhập vào thị trường lao động
Không chỉ đơn thuần là một hoạt động học tập thực tế, chuyến đi còn mở ra cơ hội để sinh viên tiếp cận với các công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Qua đó, các bạn đã được khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của năng lượng sạch trong bối cảnh toàn cầu hóa và biến đổi khí hậu, từ đó tự tin định hướng nghề nghiệp và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Tin: Xuân Mai
Ảnh: Hoàng Nam
TT. Truyền thông