Workshop “Tìm hiểu văn hoá Hàn Quốc: Từ âm nhạc truyền thống đến sự phát triển của K-POP” do Viện Công nghệ Việt - Hàn (VKIT) Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức ngày 11/12 đã mang đến cho sinh viên cơ hội khám phá sâu hơn về âm vị học và văn hóa Hàn Quốc, đặc biệt là quá trình hình thành và phát triển của K-pop từ nền tảng âm nhạc truyền thống.
Đại diện VKIT trao tặng hoa thay lời cảm ơn đến diễn giả
Với kiến thức sâu rộng, GS. Hyang Keun Song - Giảng viên Trường Đại học Ngoại ngữ Busan (Hàn Quốc) đã đưa sinh viên VKIT vào một hành trình âm nhạc đầy mê hoặc của những giai điệu truyền thống đậm chất Hàn Quốc. Qua đó, giúp các bạn hiểu sâu hơn về sự đa dạng và phong phú của thanh âm xứ sở Kim chi.
GS. Hyang Keun Song đã giới thiệu về sự phong phú của âm nhạc truyền thống xứ sở Kim chi
Âm nhạc truyền thống Hàn Quốc không chỉ thu hút bởi những giai điệu, mà còn là kho tàng văn hóa quý báu, gồm hai dòng chính là Jeongak (âm nhạc cung đình) và Minsokak (âm nhạc dân gian). Với các nhạc cụ truyền thống và giai điệu uyển chuyển, Jeongak từng vang vọng trong các cung điện, phản ánh sự tinh tế và quyền uy của tầng lớp quý tộc. Trong khi đó, Minsokak lại gắn liền cuộc sống thường ngày của người dân, thể hiện qua các bài ca lao động, dân ca,… có nhịp điệu sôi động. Cả hai dòng nhạc này đều góp phần làm nên sự đa dạng và phong phú của văn hóa Hàn Quốc.
Hội thảo giúp sinh viên hiểu rõ quá trình hình thành và phát triển của K-pop từ nền tảng âm nhạc truyền thống
Diễn giả nhấn mạnh, K-pop là kết quả của quá trình kế thừa và phát triển từ âm nhạc truyền thống, với các giai điệu và vũ khúc đậm nét văn hóa Hàn Quốc. Nhờ sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại, K-pop không chỉ là một hiện tượng âm nhạc mà còn là một cầu nối văn hóa, giúp lan tỏa hình ảnh xứ sở Kim Chi đến khán giả toàn cầu.
Qua chương trình, các bạn đã được khám phá sâu hơn về âm vị học và văn hóa Hàn Quốc
Theo GS. Hyang Keun Song, sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, cùng với chiến lược quảng bá thông minh như tổ chức các tour diễn thế giới, sử dụng mạng xã hội hiệu quả và xây dựng cộng đồng fan quốc tế,… đã biến K-pop thành một hiện tượng văn hóa toàn cầu. Và sinh viên hoàn toàn có thể ứng dụng kiến thức này để theo đuổi những ngành nghề tương lai như quản lý nghệ sĩ, sản xuất âm nhạc, marketing trong ngành giải trí,… từ đó mở rộng cơ hội nghề nghiệp tiềm năng cho bản thân.
Tin: Mỹ Lệ
Ảnh: Hoàng Nam
TT. Truyền thông