Ngày 21/11, sinh viên ngành Kiến trúc và Thiết kế nội thất Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã có cơ hội tham dự Chương trình "Architecture - Construction - Home: Net Zero Summit 2024" tại An Lâm Retreats Saigon River, mở ra cơ hội nâng cao kỹ năng thiết kế sáng tạo, mở rộng tầm nhìn về vai trò của kiến trúc trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Chương trình nhằm giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thiết kế sáng tạo theo xu hướng mới
Với chủ đề "Kiến tạo cùng phát triển ngành Kiến trúc xây dựng Việt Nam", Net Zero Summit 2024 đã mang đến cho sinh viên cơ hội tiếp cận và trao đổi với các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực về các xu hướng công nghệ mới như xây dựng bằng gỗ, giải pháp nhà ở Modulux và kiến trúc "Net Zero". Đồng hành cùng sinh viên trong chuyến đi lần này là TS. Nguyễn Thị Ngọc Quyên - Trưởng Khoa, ThS. KTS. Hoàng Hải Yến - Trưởng ngành Kiến trúc cùng các giảng viên Khoa.
Đại diện Khoa Kiến trúc - Mỹ thuật tham dự sự kiện cùng sinh viên
Không chỉ là hành trình trải nghiệm thực tế, chuyến đi còn là cơ hội để các bạn tiếp thu những kiến thức quan trọng về xu hướng và kỹ thuật xây dựng hiện đại qua 03 workshop chuyên sâu. Từ đó, sinh viên có thêm góc nhìn toàn diện về các thiết kế xanh, giảm thải carbon và thúc đẩy ý thức xây dựng công trình bền vững.
Tại Workshop "The Rise Of Mass Timber" do Mr. Neil Dodunskib - Chuyên gia về cấu kiện gỗ New Zealand trình bày, sinh viên đã được giới thiệu về xu hướng sử dụng gỗ trong xây dựng, từ nhà ở đến các công trình lớn. Việc xây dựng bằng gỗ có hàm lượng carbon thấp đang ngày càng được chú trọng vì những lợi ích to lớn đối với bảo tồn và bảo vệ môi trường ở quy mô toàn cầu. Các công trình gỗ không chỉ có tác động môi trường thấp mà còn hỗ trợ hiệu quả các chính sách phát triển bền vững và trung hòa carbon của chính phủ Việt Nam. Những công trình này góp phần tạo ra môi trường sống an toàn, lành mạnh, và thịnh vượng cho người dân, đồng thời thúc đẩy xã hội tiến tới mục tiêu giảm lượng carbon. Với mức phát thải chỉ khoảng 16 kg CO2/m2/năm, các cấu trúc gỗ trở thành giải pháp lý tưởng trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện mục tiêu NET Zero.
Sinh viên được lắng nghe xu hướng xây dựng bằng gỗ carbon thấp, hướng đến mục tiêu NET Zero
Tiếp đó, tại Workshop "Ứng dụng kỹ thuật xây dựng gỗ của Nhật Bản và ngành xây dựng Việt Nam" với sự trình bày của chuyên gia về gỗ và nhà gỗ Nhật Bản của Công ty Life Design Kabaya, sinh viên đã có cơ hội tìm hiểu giá trị văn hóa và những kỹ thuật xây dựng gỗ truyền thống của Nhật Bản. Với truyền thống lâu đời trong kỹ thuật xây dựng gỗ, Nhật Bản đã phát triển các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật hiện đại giúp nâng cao độ bền, tính thẩm mỹ và hiệu quả của công trình gỗ. Ngành xây dựng Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm này để áp dụng vào thực tiễn, tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có và phát triển các công trình bền vững. Việc ứng dụng kỹ thuật gỗ của Nhật không chỉ góp phần giảm lượng khí thải carbon mà còn tạo cơ hội thúc đẩy ngành xây dựng Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển xanh.
Các giảng viên trao đổi cùng chuyên gia về công nghệ sử dụng gỗ trong thiết kế và xây dựng
Với nhiều kiến thức giá trị tại Workshop "Net Zero trong kiến trúc và xây dựng" do KTS.Trần Khánh Trung - Giám đốc Công ty TTT, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM trình bày đã giúp sinh viên đã có thêm góc nhìn toàn diện về thiết kế công trình xanh hiện đại. Net Zero là mục tiêu giảm phát thải carbon trong kiến trúc, hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 suốt vòng đời công trình. Hiện nay, các công trình thải trung bình 600 kg CO2/m², trong đó "carbon hiện thân" chiếm 28% và "carbon vận hành" 72%. Giảm carbon vận hành qua tiết kiệm năng lượng, công nghệ xanh và giảm carbon hiện thân bằng vật liệu tái chế là yếu tố then chốt. Tư duy thiết kế Net Zero tập trung tối ưu vòng đời công trình, từ vật liệu, thi công đến tái chế, nhằm tạo công trình bền vững, thân thiện môi trường.
Sinh viên trải nghiệm kiến trúc hòa quyện thiên nhiên tại An Lâm Retreats
Bên cạnh việc lắng nghe hội thảo, tại An Lâm Retreats Saigon River sinh viên đã có cơ hội tìm hiểu các công trình tận dụng tối đa vẻ đẹp tự nhiên của sông nước, cây xanh tạo nên một không gian tách biệt, thư giãn và sang trọng. Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, các bạn cũng đã "bỏ túi" thêm nhiều kiến thức quan trọng về việc cân bằng giữa kiến trúc với môi trường, từ đó áp dụng vào các dự án thực tế trong tương lai.
Net Zero Summit 2024 đã truyền cảm hứng xây dựng tương lai xanh đến sinh viên "nhà Kiến"
Việc lắng nghe và học hỏi những kiến thức về Net Zero trong kiến trúc và xây dựng là bước khởi đầu quan trọng để sinh viên định hình tư duy bền vững. Những chia sẻ thực tế, con số cụ thể và chiến lược thiết kế từ chuyên gia giúp các bạn hiểu rõ hơn về trách nhiệm với môi trường và vai trò của mình trong việc xây dựng tương lai xanh. Đây không chỉ là cơ hội tiếp cận tri thức tiên tiến mà còn là nguồn cảm hứng để sinh viên “nhà Kiến” áp dụng sáng tạo trong sự nghiệp, đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu.
Tin: Xuân Mai
Ảnh: Đức Hạnh
TT. Truyền thông