Ngày 18/11, Viện Khoa học Ứng dụng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức Workshop “Ứng dụng Phép thử Mô tả nhanh CATA và Phép thử Thị hiếu trong đánh giá cảm quan cà phê hoà tan và bánh ngọt” dành cho sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm, dưới sự hướng dẫn của ThS. Huỳnh Phương Quyên - Giảng viên Viện.
.
Buổi workshop giúp sinh viên nâng cao kiến thức về đánh giá cảm quan thực phẩm
Mở đầu workshop, cô Phương Quyên đã giới thiệu đến sinh viên hai phương pháp đánh giá cảm quan phổ biến trong ngành thực phẩm: Phép thử Mô tả nhanh CATA (Check-all-that-apply) và Phép thử Cho điểm thị hiếu (Hedonic test). Phép thử CATA được sử dụng để thu thập ý kiến người tiêu dùng về đặc tính của sản phẩm bằng cách yêu cầu họ đánh dấu vào danh sách các đặc điểm mà họ cảm nhận được, chẳng hạn như hương vị, màu sắc, hoặc độ giòn của thực phẩm. Phương pháp này giúp đánh giá chi tiết các yếu tố đặc trưng của sản phẩm mà không cần đào tạo chuyên sâu cho người thử nghiệm.
Cô Phương Quyên đã giới thiệu các phương pháp đánh giá cảm quan phổ biến
Trong khi đó, Phép thử Hedonic test tập trung vào mức độ yêu thích của người tiêu dùng đối với sản phẩm, bằng cách cho điểm trên thang đo cảm nhận (ví dụ: từ "rất không thích" đến "rất thích"). Đây là công cụ hiệu quả để đo lường mức độ hài lòng và thị hiếu của người tiêu dùng. Cô nhấn mạnh rằng, việc ứng dụng linh hoạt hai phương pháp này sẽ giúp sinh viên phân tích và đánh giá sản phẩm thực phẩm một cách khoa học, từ đó đưa ra các cải tiến phù hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Các kiến thức được chia sẻ giúp sinh viên phân tích và đánh giá sản phẩm thực phẩm khoa học hơn
Trong phần thực hành, các bạn sinh viên được hướng dẫn về cách chuẩn bị mẫu thử, mã hóa mẫu để đảm bảo tính khách quan trong quá trình thử cảm quan. Cô Quyên cũng chia sẻ những phương pháp pha cà phê hòa tan chính xác để đảm bảo mẫu thử đạt chất lượng tốt nhất cho đánh giá cảm quan.
Cụ thể, sinh viên đã thử nghiệm và đánh giá các mẫu thực phẩm với 4 loại cà phê hòa tan (Nescafe, Vinacafe, King Coffee và G7) và 4 loại bánh ngọt (Cosy, Marie Gold, Leibniz và Orion de Marie). Các bạn tham gia phải thực hiện các phép thử mô tả màu sắc, mùi, vị và cảm nhận tổng thể của từng sản phẩm.
Sinh viên đã thực hiện thử nghiệm và đánh giá chất lượng các mẫu thực phẩm
Bên cạnh việc thử cảm quan, các bạn được thực hành đo các chỉ tiêu hóa lý của sản phẩm như độ Brix và pH, để phân biệt sự khác nhau giữa các mẫu. Sau khi hoàn thành các thử nghiệm, các bạn bắt đầu xử lý số liệu và đưa ra kết luận về mẫu được ưa thích nhất, từ đó liệt kê các tính chất cảm quan đặc trưng của từng loại sản phẩm. Đây là bước quan trọng để các bạn có thể ứng dụng các phương pháp cảm quan vào công việc nghiên cứu và phát triển sản phẩm thực phẩm trong tương lai.
Sinh viên thực hành đo các chỉ tiêu hóa lý của sản phẩm để so sánh sự khác biệt giữa các mẫu
Workshop mang lại những kỹ năng quan trọng về phương pháp đánh giá cảm quan thực phẩm cho sinh viên
Workshop “Ứng dụng Phép thử Mô tả nhanh CATA và Phép thử Thị hiếu” không chỉ giúp sinh viên nâng cao kiến thức về đánh giá cảm quan thực phẩm, mà còn mang lại những kỹ năng quan trọng về phương pháp chuẩn bị mẫu, thử cảm quan, xử lý và phân tích số liệu. Qua đó, các bạn đã tích lũy thêm nhiều kiến thức bổ ích, tiếp thêm động lực nuôi dưỡng niềm đam mê với ngành Công nghệ thực phẩm, đồng thời trang bị nền tảng vững chắc để phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Tin: Hoài Như
Ảnh: Trọng Khang
TT. Truyền thông