Trước sự chuyển dịch của nhu cầu thực phẩm trên thế giới, việc tìm ra những giải pháp chế biến sáng tạo và hiệu quả đang trở thành yêu cầu cấp thiết. Để tìm hiểu về xu hướng này, ngày 12/11, Viện Khoa học Ứng dụng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) phối hợp cùng Công ty Sontag Consult và Tecalit tổ chức Hội thảo "Công nghệ chế biến mỳ Ý và Pasta từ gạo" cho sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm.
Chương trình diễn ra tại Thu Duc Campus, thu hút sự tham gia của gần 100 sinh viên Công nghệ thực phẩm
Tham dự hội thảo có Dr. Adriano Guidolin - Thành viên Hội đồng Quản trị Tecalit srl, Mr. Joachim Sontag - Chủ tịch Sontag Consult, TS. Nguyễn Lệ Hà - Viện trưởng Viện Khoa học Ứng dụng cùng gần 100 sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm các khoá.
Hai khách mời và đại diện Viện Khoa học Ứng dụng tại chương trình
Mr. Joachim Sontag chia sẻ một số thông tin thú vị đến sinh viên
Đảm nhận vai trò diễn giả là Dr. Adriano Guidolin - người đã gắn bó cả cuộc đời với mì Ý và những sản phẩm cùng loại. Ông lớn lên trong gia đình có xưởng sản xuất mì quy mô nhỏ, vì thế mà tình yêu gắn với những món pasta luôn là điều mà ông tâm niệm. Theo học về công nghệ thực phẩm và ứng dụng chúng trong phát triển công việc kinh doanh của gia đình, ông đã tạo nên nhiều sản phẩm và thiết bị mới trong ngành sản xuất và chế biến mì.
Tại chương trình, Dr. Guidolin đã chỉ ra rằng, nhu cầu trên thế giới tăng cao đối với các sản phẩm không chứa gluten, đặc biệt là mì gạo, đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ chế biến mới. Sự gia tăng nhận thức về bệnh Celiac (dị ứng với gluten) và xu hướng tiêu dùng hướng tới một chế độ ăn lành mạnh đã trở thành yếu tố quan trọng, tạo ra động lực thúc đẩy sự biến chuyển của ngành thực phẩm. Điều này đã mở ra cơ hội lớn cho sự phát triển của các sản phẩm mì không chứa gluten, dẫn đến sự chuyển dịch rõ rệt từ các sản phẩm mì truyền thống được làm từ bột mì sang các sản phẩm thay thế từ những nguyên liệu mới như gạo, ngô và các loại ngũ cốc khác.
Diễn giả của hội thảo là Dr. Adriano Guidolin - người đã gắn bó cả cuộc đời với mì Ý và những sản phẩm cùng loại
Đồng thời, diễn giả cũng giới thiệu về công nghệ BT Cooker - một giải pháp đột phá, sử dụng hơi nước để nấu và hồ hóa bột mà không cần bất kỳ phụ gia hóa học nào. Công nghệ này không chỉ tối ưu hóa quy trình sản xuất mì gạo từ nguyên liệu tự nhiên, mà còn đảm bảo kiểm soát chặt chẽ độ hồ hóa và chất lượng sản phẩm cuối cùng, mang lại một sản phẩm hoàn hảo, an toàn và đáp ứng nhu cầu khắt khe của thị trường.
Dr. Guidolin đã trình bày chi tiết quy trình hoạt động của công nghệ BT Cooker, từ việc chuẩn bị nguyên liệu đến các bước nấu và ép thành hình. Ông còn nhấn mạnh sự cải tiến trong quy trình sản xuất nhờ ứng dụng hệ thống chân không, giúp bảo vệ cấu trúc bột, đồng thời nâng cao chất lượng mì gạo, mang lại sản phẩm vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa đạt tiêu chuẩn cao về hương vị.
Dr. Adriano Guidolin giới thiệu về xu hướng thực phẩm không gluten và công nghệ BT Cooker
Các thắc mắc của sinh viên cũng đã được Dr. Guidolin trực tiếp giải đáp một cách chi tiết và thú vị. Những hỏi đáp xoay quanh công nghệ sản xuất mì gạo không chứa gluten, cũng như các xu hướng mới trong ngành công nghệ thực phẩm đã được ông chia sẻ với kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tế, mang lại những góc nhìn bổ ích cho các bạn sinh viên.
Những hỏi đáp xoay quanh các xu hướng mới trong ngành công nghệ thực phẩm diễn ra đầy sôi nổi
Hội thảo đã mang đến cho sinh viên những kiến thức bổ ích và nguồn cảm hứng mới mẻ về sản xuất thực phẩm
Hội thảo đã mang đến cho sinh viên Công nghệ thực phẩm những kiến thức bổ ích và nguồn cảm hứng mới mẻ về phương pháp sản xuất mì Ý và Pasta. Những chia sẻ từ chuyên gia không chỉ mở rộng tầm nhìn về xu hướng thị trường thực phẩm hiện nay, mà còn tạo động lực cho các bạn sinh viên trong việc tìm tòi định hướng phát triển sự nghiệp trong tương lai.
Tin: Ngọc Huyền
Ảnh: Đức Hạnh
TT. Truyền thông