Nhiều kiến thức và kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số trong quá trình học tập và nghiên cứu đã được ông Trần Đức Sự - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ và ông Phạm Phương Tùng - Phó Giám đốc Mobifone mang đến cho sinh viên Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tại Hội thảo "Hành trang số cho sinh viên" ngày 2/10 vừa qua.
Hội thảo do Khoa Hệ thống thông tin quản lý, Viện Công nghệ Việt - Hàn (VKIT) phối hợp cùng Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp HUTECH tổ chức, với mong muốn mang đến cho sinh viên nhiều hiểu biết mới về Trí tuệ nhân tạo (AI) cùng cách ứng dụng AI trong cuộc sống hằng ngày.
Hiểu được sự phát triển vượt bậc của công nghệ hiện nay, ông Trần Đức Sự đã phân tích lịch sử hình thành và phát triển của AI, hiện trạng phát triển của chúng trong bối cảnh hiện đại. Trí tuệ nhân tạo (AI) bắt đầu từ giữa thế kỷ 20 với các ý tưởng của Alan Turing và sự phát triển của máy tính. Thuật ngữ "AI" chính thức được sử dụng vào năm 1956 tại hội nghị Dartmouth. Qua nhiều thập kỷ, AI đã tiến bộ mạnh mẽ nhờ các thuật toán học máy, mạng nơ-ron và dữ liệu lớn. Hiện nay, AI đang cách mạng hóa nhiều lĩnh vực như y tế, giáo dục, giao thông và dịch vụ khách hàng. Công nghệ AI hiện đại, như trí tuệ nhân tạo tổng hợp (AGI) và AI sáng tạo, đang được nghiên cứu để đạt khả năng tự động hóa cao hơn và đưa ra các quyết định phức tạp hơn.
Ông Trần Đức Sự đã phân tích lịch sử hình thành và phát triển của AI và hiện trạng phát triển của chúng
Cùng với đó, diễn giả đã "update" các lợi ích mà AI mang lại trong quá trình học tập và ứng dụng trong cuộc sống hằng ngày. Trong giáo dục, AI giúp cá nhân hóa việc học, cung cấp các bài học phù hợp với từng sinh viên và hỗ trợ giải đáp nhanh các thắc mắc. Ngoài ra, các trợ lý ảo còn giúp các bạn quản lý thời gian, nhắc nhở công việc, tìm kiếm thông tin dễ dàng hơn. Trong cuộc sống, AI cải thiện trải nghiệm mua sắm trực tuyến, tối ưu hóa giao thông, và thậm chí hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Những ứng dụng này góp phần giúp nâng cao hiệu quả và chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Ông Phạm Phương Tùng chia sẻ về những thách thức trong việc ứng dụng AI trên thế giới
Bên cạnh đó, ông Phạm Phương Tùng đã chia sẻ về những thách thức trong việc ứng dụng AI trên thế giới. Vì sự phát triển vượt bậc của chúng, AI giờ đây có thể thay thế con người ở nhiều lĩnh vực, làm gia tăng tốc độ đào thải lao động trên thị trường. Xu hướng đẩy mạnh sử dụng AI cũng làm tăng lượng khí CO2 thải ra môi trường, gây nên hiệu ứng nhà kính, đồng thời có thể đe dọa đến quyền bảo mật thông tin khi chúng có thể xâm nhập thông tin cá nhân và an ninh mạng. Thêm vào đó, AI còn đặt ra vấn đề đạo đức trong việc sử dụng, khi khả năng tự học và ra quyết định của chúng có thể dẫn đến việc đưa ra những hành động ngoài tầm kiểm soát của con người.
Talkshow "Hành trang số cho sinh viên" mang đến nhiều trao đổi tích cực giữa diễn giả và sinh viên
Diễn giả cũng đề xuất một số giải pháp công nghệ nhằm khắc phục tình trạng này, như phát triển các hệ thống AI thân thiện với môi trường, tăng cường các biện pháp bảo mật thông tin, và thiết lập các quy định rõ ràng về đạo đức AI. Những chia sẻ này đã giúp sinh viên mở rộng hiểu biết về thực trạng sử dụng AI trên thế giới, cũng như các biện pháp cần thiết để giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn.
Hội thảo đã giúp sinh viên tự tin ứng dụng công nghệ số, bắt kịp sự phát triển của thời đại
Khép lại chương trình là phần diễn giả hướng dẫn sinh viên thực hành sử dụng các công cụ AI để tạo ra các hình ảnh, video, bài hát. Hội thảo đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị để sinh viên tiếp thu các kiến thức một cách sinh động, từ đó tự tin ứng dụng công nghệ số, bắt kịp sự phát triển của thời đại.
Tin: Xuân Mai
Ảnh: Quốc Đạt
Video: Thành Nam
TT. Truyền thông