Vừa qua, Viện Khoa học Ứng dụng Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) đã tổ chức chuyến tham quan thực tế cho sinh viên ngành tại Rừng phòng hộ và đặc dụng cùng với Hệ thống cống đập Ba Lai (Bến Tre).
Chuyến tham quan thực tế của sinh viên HUTECH tại Rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre
Đây là một hoạt động nằm trong mục tiêu học tập gắn liền với thực tiễn của trường, giúp sinh viên nâng cao kỹ năng thực tế thông qua những trải nghiệm quý báu.
Đồng hành cùng sinh viên trong chuyến tham quan có TS. Lâm Vĩnh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Ứng dụng cùng các thầy cô giảng viên Viện.
Đại diện Viện Khoa học Ứng dụng đồng hành cùng sinh viên trong chuyến tham quan
Chuyến đi bắt đầu với hành trình tham quan Rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre. Nơi đây sinh viên được đón tiếp nồng nhiệt và hướng dẫn chi tiết bởi các cán bộ kỹ thuật địa phương. Các bạn đã có cơ hội tìm hiểu về lịch sử hình thành, các công trình thủy lợi, hệ sinh thái nước ngọt và nước mặn, cũng như nguồn tài nguyên đất ven bờ - một yếu tố quan trọng trong việc quản lý tài nguyên và môi trường.
Các sinh viên có cơ hội tìm hiểu thêm nhiều thông tin về Rừng phòng hộ và đặc dụng Bến Tre
Với sự hướng dẫn nhiệt tình từ đội ngũ giảng viên và cán bộ kỹ thuật, sinh viên đã được quan sát trực tiếp hệ sinh thái rừng ngập mặn, từ đó hiểu rõ hơn về vai trò và giá trị của tài nguyên đất trong khu vực. Không chỉ dừng lại ở việc quan sát, các bạn còn được thực hành lấy mẫu đất để phân tích và đánh giá chất lượng đất. Những kiến thức này không chỉ giúp sinh viên nắm vững lý thuyết, mà còn tích lũy kinh nghiệm thực tiễn về tài nguyên môi trường đất.
Sinh viên dưới sự chỉ dẫn nhiệt tình của chuyên viên kỹ thuật đã thực hành lấy mẫu đất phân tích, đánh giá
Sau đó, sinh viên tiếp tục đến tham quan Hệ thống cống đập Ba Lai thuộc Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi Bến Tre. Sự tiếp đón nhiệt tình từ anh Dương Văn Tuấn và anh Đoàn Hoàng Tuấn - Cán bộ Kỹ thuật thuộc Chi nhánh 3 của công ty đã góp phần làm cho chuyến tham quan trở nên đặc biệt.Tại đây, sinh viên được tham quan trực tiếp quy mô hoành tráng và “bỏ túi” nhiều thông tin thực tế quan trọng của Hệ thống cống đập Ba Lai - một trong những công trình thủy lợi lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Sinh viên tham quan trực tiếp quy mô và học hỏi nhiều thông tin thực tế quan trọng của Hệ thống cống đập Ba Lai
Được biết, Hệ thống cống đập Ba Lai được xây dựng tại cửa sông Ba Lai, thuộc địa bàn xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khởi công ngày 27/01/2000 và đưa vào sử dụng ngày 30/04/2002, cống đập Ba Lai là một trong 9 hạng mục của dự án ngọt hóa Bắc Bến Tre và là một trong những công trình thủy lợi lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Cống Ba Lai gồm 10 cửa, với khẩu độ 84 m, vận hành bằng van tự động 2 chiều, phục vụ hơn 115,000 ha, trong đó có 88,500 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi thủy sản của các huyện Ba Tri, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành và thành phố Bến Tre.
Các sinh viên được trực tiếp lên trên hệ thống cống đập để hiểu rõ hơn cấu trúc công trình
Nhiệm vụ chính của công trình là ngăn nước mặn, giữ nước ngọt, tạo nguồn ngọt, tiêu úng, tiêu chua, rửa phèn, cải tạo đất cho 115,000 ha đất tự nhiên, trong đó có 88,500 ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, thành phố Bến Tre; và kết hợp phát triển giao thông thủy bộ, cải tạo môi trường sinh thái vùng dự án.
Chuyến đi đã mở rộng tầm nhìn cho các bạn sinh viên về tài nguyên môi trường quê hương
Khép lại chuyến đi, sinh viên ngành Quản lý tài nguyên và môi trường đã được mở rộng tầm nhìn về công tác quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên và tận mắt chứng kiến quy mô hoành tráng của hệ thống cống đập. Các bạn còn được tích lũy những kiến thức quý báu về vai trò của công trình trong việc điều tiết dòng chảy,. Tin rằng, những trải nghiệm thực tiễn này sẽ là hành trang quan trọng giúp sinh viên tự tin hơn trong học tập và công việc tương lai, đồng thời đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên của đất nước.
Tin: Viện Khoa học Ứng dụng
Ảnh: Trọng Khang
TT. Truyền thông