- Bài viết: Zing.vn -
Chuyên gia tâm lý khuyên thí sinh giữ sức khỏe tốt, dành thời gian cho hoạt động thể thao, giải trí. Các em nên chọn phương pháp học phù hợp, đặt mục tiêu vừa sức.
Từ ngày 7- 8/7, học sinh lớp 12 trên cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Các em chỉ còn khoảng 2 tuần để chuẩn bị.
Thêm vào đó, việc học của học sinh bị gián đoạn vì dịch Covid-19. Điều này khiến nhiều thí sinh lo lắng.
Thạc sỹ Chế Dạ Thảo nêu 3 vấn đề thí sinh thường gặp trước mùa thi và các để giữ tâm lý vững vàng. Ảnh: NVCC.
3 vấn đề tâm lý
thí sinh thường gặp trước mùa thi
Theo chuyên gia tâm lý, Thạc sỹ Giáo dục học Chế Dạ Thảo, Trưởng bộ môn Kỹ năng tại ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH), trước kỳ thi quan trọng, sĩ tử thường gặp phải 3 vấn đề.
Các em dễ suy giảm trí nhớ, tiếp thu kiến thức và phân tích thông tin chậm. Việc này khiến quá trình ôn luyện của học sinh trở nên kém hiệu quả.
Bên cạnh đó, tình trạng căng thẳng kéo dài, stress trước, trong và sau mùa thi tác động đến tinh thần và sức khoẻ của các em khi đi thi. Một số trường hợp có nền tảng kiến thức tốt nhưng không vượt qua được căng thẳng dẫn đến việc không giữ được phong độ ổn định trong các môn thi.
Thạc sỹ Chế Dạ Thảo cho biết một số em cũng gặp phải hội chứng rối loạn lo âu.
Năm nay, cùng với tình hình chung của toàn xã hội, học sinh lớp 12 rơi vào thế bị động trong việc lên kế hoạch học và ôn thi. Theo bà Thảo, việc học gián đoạn trong thời gian dài, các em gặp khó khăn trong việc củng cố kiến thức, động lực học tập giảm sút.
Bên cạnh đó, một số thay đổi về thời gian thi tốt nghiệp THPT và phương thức xét tuyển đại học ở các trường… gây lo lắng cho cả học sinh và phụ huynh.
Nhằm giúp phụ huynh và chính thí sinh nhận biết mình đang gặp vấn đề tâm lý, Thạc sỹ Chế Dạ Thảo nêu ra một số biểu hiện phổ biến.
Dễ nhận thấy nhất, các em thường biếng ăn hoặc ăn mất kiểm soát, khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không sâu. Bên cạnh đó, học sinh tập trung kém, giảm trí nhớ nhiều so với trước đó. Các biểu hiện bên ngoài gồm liên tục vã mồ hôi, hồi hộp trống ngực, tim đập nhanh, run tay chân, cảm giác đau đầu, đau các cơ.
Khi gặp vấn đề tâm lý, thí sinh có cảm xúc không ổn định, dễ khóc lóc, lo lắng, bồn chồn, phản ứng quá khích với những sự việc hàng ngày, tính cách thay đổi, dễ nổi nóng, gay gắt hoặc suy nghĩ về những điều tiêu cực. Các em cũng thường xuyên lo lắng cực độ về một hay nhiều vấn đề.
Việc giữ sức khỏe, kết hợp học hành với hoạt động thể thao, giải trí rất quan trọng nhằm đảm bảo tâm lý ổn định trước kỳ thi tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa: Tiến Tuấn.
Bí quyết giữ tâm lý vững vàng
Theo Thạc sỹ Chế Dạ Thảo, để có được tâm lý vững vàng trong mùa thi, thí sinh nên chuẩn bị sức khỏe tốt.
“Các em phải có nền tảng sức khỏe tốt, tâm lý mới vững vàng và đủ sức vượt qua áp lực được”, bà nói.
Về sức khỏe, bà cho rằng sĩ tử cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, ăn đúng giờ và chia ra nhiều bữa nhỏ, an toàn vệ sinh thực phẩm, ăn theo chế độ cần thiết, không chỉ ăn theo sở thích. Các em nên hạn chế tối thiểu thức uống có cồn, cafein, chất kích thích hoặc có gas, nên uống nước ấm thường xuyên.
Bà cũng khuyên học sinh lớp 12 đảm bảo ngủ đúng giờ, ngủ sâu và đủ giấc. Tắt hết các thiết bị điện tử, Internet, giải trí và ngưng vận động mạnh trước 30 phút là cách để đảm bảo yếu tố giấc ngủ.
“Giấc ngủ cực kỳ quan trọng trong mùa thi đối với các sĩ tử nhưng nhiều bạn và cả phụ huynh bỏ qua điều này”, bà nói thêm.
Bà Thảo cho rằng để đảm bảo tâm lý, thí sinh nên dành thời gian cho hoạt động thể thao, giải trí. Bà lưu ý các em chọn môn thể thao vừa sức hoặc vài bài tập thể dục nhẹ hàng ngày. Hình thức giải trí cần lành mạnh, không gây kích động cảm xúc và ảnh hưởng sức khoẻ. Mỗi 45 phút giữa giờ học, sĩ tử nên nghỉ ngơi 5-10 phút cho mắt và não bộ hoạt động tốt hơn.
Ngoài ra, theo chuyên gia tâm lý của trường HUTECH, học sinh thường gặp áp lực lớn do không tự tin vào kiến thức của mình hoặc không có đủ kiến thức cần thiết.
Vì vậy, lựa chọn phương pháp học và học thật tốt những nội dung thi là điều bắt buộc tạo ra sự tự tin vững vàng. Học theo sức của mình, chia nhỏ kiến thức ra và nên tổ chức học theo nhóm một cách nghiêm túc.
Bên cạnh đó, thí sinh nên đặt mục tiêu vừa sức. Điều này dựa vào hiểu biết năng lực học tập của cá nhân và thông tin tìm hiểu về điểm chuẩn đầu vào các năm cũng như tỷ lệ chọi với các thí sinh khác. Khi mục tiêu vừa với sức cố gắng của mình thì các em sẽ bớt đi sự căng thẳng.
Việc có phương án dự phòng cũng là cách giảm áp lực thi cử. Bà khuyên thí sinh tự đặt và trả lời câu hỏi nếu rớt sẽ làm gì, chọn trường nào, ngành nào gần với lựa chọn trước mà vẫn đảm bảo đủ khả năng để vào.
Để giúp thí sinh có tâm lý vững vàng trước kỳ thi, Thạc sỹ Chế Dạ Thảo cũng đưa ra một số lưu ý đối với phụ huynh.
Theo đó, cha mẹ nên đồng hành cùng con tìm hiểu các phương thức xét tuyển, ngành, trường từ thông tin đầy đủ, đánh giá năng lực của con để có lựa chọn phù hợp. Phụ huynh cần tôn trọng năng lực và đam mê của con, đưa ra lời khuyên hài hoà với thực tế, đồng thời hỗ trợ con sắp xếp chế độ ăn uống, ngủ nghỉ và giải trí hợp lý.
Người lớn không nên áp đặt ý kiến cá nhân, thúc ép hoặc so sánh năng lực học tập của con với những người khác, đánh giá sai lệch mức độ học tập của con dẫn đến sự kỳ vọng quá lớn hay hỏi han quá nhiều về kết quả học tập, thi cử.
Là chuyên gia tâm lý, bà Thảo thấu hiểu áp lực mà học sinh gặp phải khi kỳ thi cận kề.
“Các em không cần cố chạy trên trường đua và đuổi theo thành tích của người khác. Việc của các em là chuẩn bị ôn luyện và thi hết mình với năng lực của chính mình”, cuối cùng, bà nhắn nhủ.
Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) là trường đa ngành, nổi bật với môi trường năng động, chương trình học chú trọng thực hành, đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Năm 2021, HUTECH tuyển sinh 51 ngành theo 4 phương thức xét tuyển độc lập, bao gồm:
1/ Xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT.
2/ Xét tuyển theo kết quả thi Đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM.
3/ Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12.
4/ Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ.
Tìm hiểu về các phương thức tuyển sinh của Đại học HUTECH tại đây.
Đặc biệt, xét tuyển học bạ là hình thức được nhiều thí sinh tin chọn, nhờ quy trình xét tuyển linh hoạt, hồ sơ đơn giản và giảm tải áp lực thi cử.
Thí sinh có tổng điểm trung bình 3 học kỳ (hai kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12) hoặc tổng điểm trung bình 3 môn lớp 12 theo tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên, sẽ có cơ hội trúng tuyển cao khi xét tuyển học bạ vào HUTECH. Thí sinh quan tâm có thể đăng ký xét tuyển trực tuyến ngay tại đây.