Bên cạnh bài thi Văn với hệ thống các tác phẩm quan trọng, bài thi Khoa học Xã hội cũng khiến nhiều sĩ tử có phần "đau đầu" thì khối lượng kiến thức cần ôn tập.
Tuy vậy, việc tìm ra phương pháp ôn luyện khoa học sẽ là "chìa khóa" giúp các bạn thí sinh ghi nhớ kiến thức dễ dàng, hiệu quả hơn. Hãy ghi chú nhanh một số "gạch đầu dòng" để không còn phải quá "căng não" khi ôn tập những kiến thức thú vị này nhé!
Bí quyết "thu nạp" kiến thức
cho bài thi Lịch sử
Với khối lượng kiến thức "đồ sộ" gồm những giai đoạn lịch sử, các sự kiện lịch sử nổi bật, thời gian và những nhân vật tiêu biểu..., bộ môn Lịch sử luôn đặt ra thử thách ghi nhớ, "dung nạp" kiến thức cho các sĩ tử. Đừng lo lắng hay nản chí nhé, hãy thử áp dụng bí quyết sau nào!
Đầu tiên, hãy hệ thống, liệt kê các giai đoạn lịch sử theo dạng sơ đồ với những thông tin như nhân vật, hoàn cảnh, thời điểm và những vấn đề cơ bản.
Kế tiếp, ôn tập theo từng giai đoạn, tập trung ghi nhớ, học kỹ giai đoạn cho dứt điểm, không "nhảy cóc" lung tung theo hứng thú để tránh kiến thức bị nhầm lẫn.
Hệ thống kiến thức theo chủ đề, giai đoạn là "bí kíp" hàng đầu cho các môn học thuộc bài
Nâng cao kỹ năng sử dụng
Atlat - "tuyệt chiêu" chinh phục
bài thi Địa lý
Tương tự như với môn Lịch sử, môn Địa lý cũng là bộ môn nên được ôn tập theo từng chủ đề và cần được hệ thống hóa các kiến thức bắt buộc thuộc lòng để thí sinh dễ dàng "lưu trữ" trong não bộ.
Theo nhiều thầy cô kinh nghiệm, các câu hỏi trong bài thi Địa lý thường được chia thành 04 cấp độ yêu cầu với thí sinh từ: nhận biết vấn đề, đọc hiểu vấn đề, vận dụng kiến thức cấp thấp và vận dụng kiến thức cấp cao. Do vậy, khi ôn tập, hãy cố gắng nắm bắt vấn đề trong từng chủ đề ôn tập và khi làm bài/giải đề mẫu, hãy giải quyết những câu hỏi theo thứ tự từ cấp thấp nhất đến cao nhất để ghi được nhiều điểm nhất có thể.
Nâng cao kỹ năng sử dụng Atlat Địa lý sẽ giúp thí sinh ôn tập môn Địa lý dễ dàng hơn
Một "bí kíp" khác cho bài thi Địa lý, đó là thí sinh hãy tận dụng khả năng sử dụng Atlat Địa Lý của mình. Với lượng kiến thức tổng quát rộng lớn được thể hiện theo từng lược đồ, chủ đề riêng, việc thí sinh có thể đọc hiểu, phân tích kiến thức từ lược đồ trong Atlat sẽ giúp các bạn ghi nhớ kiến thức và làm bài thi tốt hơn.
Nắm chắc nền tảng,
thuận lợi điểm cao
với bài thi Giáo dục Công dân
Nhiều thí sinh dễ "hiểu nhầm" môn Giáo dục Công dân có lượng kiến thức nhiều, dài dòng, khó thuộc để có thể ôn tập. Thực tế, môn học này lại dễ "làm thân" hơn bạn tưởng đấy!
Trước hết, cũng giống như môn Lịch sử và Địa lý, lượng kiến thức dàn trải, nhìn qua tưởng có dung lượng nhiều, tuy nhiên, nếu được hệ thống hóa thành sơ đồ theo từng chủ đề, từng bài học cụ thể, dung lượng kiến thức sẽ được "gom gọn" đi đáng kể. Bên cạnh đó, thí sinh có thể tô đậm, ghi chú, gạch dưới các phần ý then chốt trong các định nghĩa, khái niệm lý thuyết quan trọng để dễ dàng ghi nhớ hơn.
Cập nhật thông tin từ các trang tin, báo chí uy tín giúp thí sinh liên kết lý thuyết - thực tiễn để nhớ bài lâu hơn
Song song với việc ghi nhớ các kiến thức lý thuyết bắt buộc, việc cập nhật thêm thông tin, kiến thức thực tiễn từ xã hội thông qua các trang tin, báo chí uy tín cũng là điều cần thiết giúp bạn liên hệ giữ lý thuyết và thực tế. Mà việc này cũng cần để rèn luyện óc tư duy, nghị luận để chuẩn bị cho bài thi Văn, nên điều này cũng là "một công đôi việc" cho thí sinh rồi!
Đừng quên phân bổ thời gian học tập - nghỉ ngơi một cách hợp lý, đảm bảo chất dinh dưỡng lành mạnh cho cơ thể, để não bộ có thể ghi nhớ, hệ thống lý thuyết và kiến thức môn học một cách hiệu quả nhất. HUTECH xin chúc các sĩ tử một kỳ thi thuận lợi và thành công tốt đẹp!
Thực hiện: Bảo Trân - Thương Nhi
Phòng Truyền thông